Kết nối hàng hải - đường thuỷ có chuyển biến
Năm 2018 đã chứng kiến lượng hàng hóa lớn qua các cảng biển Việt Nam, giúp tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy kinh tế biển. Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến cuối tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa 1.128 tàu), tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam năm 2018 đứng thứ 4 ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và đứng thứ 30 thế giới.
Năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển của các phương tiện thủy nội địa ước đạt 171,6 triệu tấn, tăng 30,5% so với năm 2017; số lượng tàu ra vào cảng biển đạt 30,2 nghìn lượt, tăng 39,4% so với năm trước.
Về cảng biển, theo thống kê đến cuối năm 2018, Việt Nam có 272 bến cảng được công bố, với khoảng 92,2 km cầu cảng, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. “Cảng biển Việt Nam đã được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khả năng kết nối của cảng biển với đường bộ, đường sắt còn yếu. Chúng tôi đang phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt để tạo sự kết nối tốt hơn trong thời gian tới”, Cục trưởng Sang nêu thực trạng tại Hội tổng kết công tác ngành năm 2018 vừa diễn ra chiều nay - 2/1.
Được biết, trong năm qua, đã có khoảng 524,7 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng biển biển nước ta, con số này không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 141,1 triệu tấn; hàng nhập khẩu đạt 171,2 triệu tấn; hàng nội địa đạt 221,6 triệu tấn...
“Chất lượng dịch vụ hàng hải ngày càng được nâng cao, sản lượng vận tải biển và hàng hóa thông qua cảng biển đạt mức tăng trưởng cao, kết nối giữa hai phương thức vận tải hàng hải và đường thủy nội địa có chuyển biến tích cực, góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ”, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam nhận xét.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khen tặng các cá nhân, tập thể có thành tích trong năm 2018 tại Hội nghị do Cục Hàng hải tổ chức chiều 2/1 |
Nâng cao giá trị của dịch vụ hàng hải
Cũng theo Cục này, do lượng tàu qua cảng thời gian gần đây tăng cao, trong đó cho phép cả những tàu có trọng tải lớn ra vào cảng nên năm 2018 việc thu phí, lệ phí hàng hải đạt kết quả khá. Cụ thể, thu phí cảng vụ đạt 921,4 tỷ đồng (tăng 12% so với năm 2017); thu phí bảo đảm hàng hải đạt 1.688,2 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2017). Thu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng đạt 229 tỷ đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 2.310 tỷ đồng.
Liên quan đến kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải năm 2019, theo lãnh đạo Cục này cho hay, sẽ tiếp tục thực hiện các dự án quan trọng như: Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải; nạo vét luồng hàng hải qua cửa Trần Đề; nạo vét luồng hàng hải Phan Thiết….
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá cao nỗ lực của tập thể, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, cho rằng mặc dù nhiệm vụ nặng nề nhưng năm qua Cục đã khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ đúng kế hoạch, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Theo Bộ trưởng Thể, cảng biển, vận tải biển Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, do đó, Cục Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để dịch vụ hàng hải đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của kinh tế biển Việt Nam. Cũng trong dịp này, nhiều đơn vị, cá nhân Cục hàng hải Việt Nam có thành tích xuất sắc đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trao thi đua khen thưởng.
Logistics Việt Nam tăng trưởng 14%
Theo Cục hàng hải Việt Nam, hiện cả nước có 97 nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu thuyền với năng lực đóng được tàu từ 1.000 DWT trở lên. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đóng mới dự kiến khoảng 3 - 5 triệu DWT/năm, sửa chữa khoảng 7 triệu DWT.
Về dịch vụ logistics, cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ hàng hải. Năm 2018, logistics Việt Nam tăng trưởng với tốc độ khoảng 12 - 14%; đứng vị trí thứ 3 Đông Nam Á.