Bộ trưởng Tài chính "bối rối" với những câu hỏi khó về lương

Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát...

Chiều qua, 17/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã có cuộc đối thoại trực tuyến với nhân dân thông qua Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ.

Nhấn mạnh: minh bạch giá cả các mặt hàng “nhạy cảm”

Theo tường thuật của Cổng TTĐT Chính phủ, tổng dung lượng cuộc trao đổi dài tới hơn 12.000 từ, tương đương hơn 25 trang A4, trong đó “nóng” nhất vẫn là vấn đề giá cả leo thang.

Trả lời câu hỏi của một nhân viên siêu thị tại Hà Nội về tác động của tăng giá điện, theo ông Huệ, các cơ quan chuyên môn tính toán rằng khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua 2 vòng. Một là là qua trực tiếp chi phí, theo như con số thống kê, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246%. Như vừa rồi, giá điện tăng 5% thì tác động tới CPI 0,153%.

rgtrg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ

Tác động tại vòng 2 gấp khoảng 2 lần vòng 1, có nghĩa là giá điện tăng 1% thì tác động tăng 0,0492% CPI. Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa rồi, tôi có nhấn mạnh, minh bạch và công khai là một trong những điều kiện kiên quyết để điều hành, quản lý nền kinh tế nói chung, trong đó có quản lý về giá cả, nhất là đối với những mặt hàng, vật tư có ý nghĩa chiến lượng như điện, than, xăng dầu…

Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ gửi đến người dân, Thủ tướng đã đề cập, nhấn mạnh về nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý nền kinh tế của chúng ta. Để thực hiện giải pháp này, trong lĩnh vực quản lý giá, chúng tôi nghĩ phải minh bạch cả khâu chính sách cũng như thông tin của doanh nghiệp” – Bộ trưởng Tài chính phát biểu.

Nhắc lại lần kiểm tra giá xăng dầu gần đây, ông Huệ cho biết, năm 2012, Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Ý nghĩ đích thực của tăng lương: câu hỏi khó

Độc giả Đào Thị Bích Liên, một công chức ở TP.HCM hỏi: Mỗi lần tăng lương là một lần các mặt hàng tiêu dùng ào ạt tăng giá, như vậy việc tăng lương không mang lại ý nghĩa đích thực của nó là cải thiện đời sống cho chúng tôi là những công chức, viên chức mà còn tạo cơ hội cho lạm phát tăng cao. Tình trạng này đã diễn ra qua nhiều lần tăng lương và cho đến nay vẫn như vậy. Xin hỏi Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ của Bộ  trưởng, Bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Đây là câu hỏi khó và sâu, cũng là trăn trở của các cơ quan quản lý, của Chính phủ và Bộ Tài chính. Chúng ta mong muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì.

Tôi rất chia sẻ với độc giả cũng như những người làm công ăn lương.

Một là, nguồn tăng lương hàng năm của chúng ta hoàn toàn dựa vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Ví dụ, tất cả các bộ, ngành địa phương đều phải dành 50% số vượt thu hàng năm để làm công tác cải cách tiền lương, địa phương nào thừa phải nộp cho Trung ương, thiếu thì được hỗ trợ. Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát. Tôi xin khẳng định như vậy.

Lạm phát do yếu tố tiền tệ, do chi tiêu công không hiệu quả hoặc nới lỏng chi tiêu công… Chính phủ và các cơ quan hữu quan đang xây dựng đề án tiền lương để trình Hội nghị Trung ương 5, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn thu từ đâu. Chúng ta đang nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu ngân sách, tăng thu ngân sách để tăng lương. Tôi khẳng định lại việc tăng tiền lương không liên quan đến cung tiền, không trực tiếp làm gia tăng lạm phát.

Tuy nhiên, vấn đề này có 2 ý. Một là đối với khu vực sản xuất, khi tiền lương tăng, giá thành và chi phí đẩy sẽ tăng lên, tác động một phần tới giá bán. Thứ hai, việc tăng lương làm quỹ tiêu dùng xã hội tăng lên, tổng cầu tăng lên. Như vậy, biện pháp quan trọng nhất là khi tăng lương phải tăng năng suất lao động xã hội tương ứng, để đảm bảo cân đối tiền - hàng, sẽ không xảy ra hiện tượng chi phí đẩy hay lạm phát… Tức là tiền lương tăng lên nhưng giá thành, giá bán đơn vị sản phẩm không thay đổi và chúng ta phải nỗ lực đi theo hướng này.

Và theo tôi, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”. Trong tháng 10/2011, chúng ta điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực sản xuất, nhưng tháng 8, 9, 10, 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ chúng ta làm tốt công tác truyền thông.

Nhờ thông tin mạng mà xử lý được vụ việc

Ngoài những vấn đề liên quan đến công tác điều hành, tại cuộc đối thoại, nhiều độc giả cũng bày tỏ sự quan tâm tới đời sống riêng của Bộ trưởng.  Ông Huệ cũng tỏ ra khá cởi mở.

Trả lời câu hỏi về việc có thường xuyên vào mạng internet và sử dụng mạng xã hội như một kênh để tiếp cận thông tin, các phản hồi chính sách hay không, Bộ trưởng cho biết, sử dụng máy tính bảng Ipad và truy nhập Internet thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, lúc nghỉ trưa, lúc thư giãn, trên ô tô, chờ đợi ở sân bay và trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy…

Tuy nhiên, về kỹ năng thì… không thạo bằng con gái. Bộ trưởng cũng dẫn ví dụ cụ thể để cho thấy, nhờ thông tin qua mạng mà xử lý được vụ việc, không phải chờ đến các văn bản của các Vụ, Cục. 

“Tại cơ quan thì chúng tôi là “Trưởng” nhưng về nhà thì thành “Phó”. Đối với phụ nữ Việt Nam nói chung, cũng như đối với vợ tôi, chắc chắn việc quản lý ngân quỹ, tính toán chi tiêu gia đình có thời gian nhiều hơn, chặt chẽ hơn, nên quản lý tài chính tốt hơn. Tôi có lẽ cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa” – ông Huệ chia sẻ cùng một nữ độc giả.

Thủy Tiên (tổng hợp)
 

Đọc thêm