Bộ trưởng Tô Lâm: Sẽ bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy

(PLVN) - Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. 
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp sáng 23/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Luật được xây dựng nhằm thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú;

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Nội dung đáng chú ý của sửa đổi Luật lần này là sẽ thay thế phương thức quản lý cư trú thủ công bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sang việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Cơ sở dữ liệu này được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Cũng theo dự thảo Luật, Chính phủ thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương. Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

Đồng thời, Dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác đề nghị cân nhắc việc quy định riêng điều kiện đăng ký thường trú tại TP Hà Nội (Thủ đô) so với các tỉnh và TP trực thuộc Trung ương khác để thống nhất với quy định của Luật Thủ đô.

Đọc thêm