Bộ trưởng Y tế nói gì về việc cho doanh nghiệp nhập trực tiếp vắc xin COVID-19 về Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vắc xin về Việt Nam, nếu có uỷ quyền chính thức của nhà sản xuất... 
Hình ảnh minh hoạ
Hình ảnh minh hoạ
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với tất cả các bộ, ban ngành cũng như khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 để có nguồn vắc xin sử dụng cho người dân Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.

Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích, động viên nhiều hơn các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện.

“Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vắc xin này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế đã xem xét và rà soát tất cả các quy trình, thủ tục trong vấn đề về cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. “Đối với các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép thì trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và uỷ quyền của nhà sản xuất, Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định và cấp phép cho vắc xin đó”, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Đồng thời khi vắc xin được nhập khẩu vào Việt Nam, trong vòng 2 ngày, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ về nhập khẩu vắc xin vào Việt Nam và uỷ quyền của nhà sản xuất thì Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép tiến hành xuất xưởng lô vắc xin đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

“Bộ Y tế sẽ cắt gỉảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vắc xin, đảm bảo an toàn vắc xin và chống việc giả mạo vắc xin. Những nội dung này đã được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã sẵn sàng thực hiện những việc này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đồng thời nhấn mạnh: "Bộ Y tế khuyến khích tất cả cộng đồng doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp vắc xin về Việt Nam, nếu có uỷ quyền chính thức của nhà sản xuất".

Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vắc xin của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, hiện nay có tình trạng nhiều bên đứng ra làm đại diện môi giới vắc xin. Do vậy các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vắc xin, hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ 3, để tránh nguy cơ mua phải vắc xin giả mạo hoặc bị lừa đảo, như tổ chức Interpol đã cảnh báo.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã nhận được gần 2,6 triệu liều vắc xin COVID-19 từ COVAX Facility, trong tổng số 38,9 triệu liều vắc xin được COVAX thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021.

Việt Nam chính thức triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 từ ngày 8/3. Tính đến nay đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với hơn 1 triệu liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vắc xin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.

Như vậy, cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong số này có 38,9 triệu liều vắc xin từ chương trình Covax, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Bộ Y tế từ nay đến cuối năm là làm sao có đủ 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm