Tháng 11/2015, Quốc hội thông qua những điểm sửa đổi về chất cấm trong chăn nuôi trong Bộ Luật Hình sự. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù đến 20 năm.Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNN, mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Cụ thể, bộ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật theo cách thức mới: Khi thanh tra những lò mổ, nếu phát hiện có chất cấm sẽ mời các cơ quan báo, đài vào quay hình để có phóng sự trực tiếp, tăng cao tính răn đe. Bên cạnh đó, thông báo rộng rãi đường dây nóng để người dân, cơ quan, đoàn thể phối hợp lật tẩy những cơ sở vi phạm.
|
Số hàng hóa bị bắt giữ. |
Tuy nhiên, để phạt tù cơ sở kinh doanh, buôn bán thịt có chứa chất cấm là điều không dễ bởi phải truy cho được nguồn gốc của các loại thịt có chứa chất cấm đang được bày bán ở chợ. Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ thực phẩm lớn nhất trung tâm Hà Nội - chợ thực phẩm Dịch Vọng, đa số các tiểu thương ở đây chưa hề biết đến quy dịnh phạt tù này mà còn tỏ ra khá thờ ơ. "Làm sao có quyền phạt tù chúng tôi khi chúng tôi không sử dụng chất cấm. Chúng tôi chỉ biết mua thịt về và bán lại cho người tiêu dùng chứ không hề biết trong thịt có chứa chất gì. Muốn thanh, kiểm tra thì phải đến tận các lò mổ chứ sao lại ra chợ". Một tiểu thương tại chợ Dịch Vọng cho hay.
Để có thể xác định được chính xác chất cấm xuất hiện trong thực phẩm do đâu, đoàn thanh tra cần phải xác định từ nhiều nguồn, từ thức ăn chăn nuôi, từ thuốc thú y hay do thương lái ép người chăn nuôi sử đụng các chất trôi nổi để tạo nạc cho thịt. Bởi vậy, khi Luật được áp dụng, không chỉ có cơ quan chế tài vào xử lý mà đồng loạt các cơ quan chức năng liên quan phải cùng vào cuộc để thanh tra, kiểm tra.
Mới đây, Cục Thú y đã ban hành văn bản chỉ đạo hệ thống thú y trên cả nước phối hợp với Chính quyền địa phương, Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y, bảo đảm ATTP tại cơ sở giết mổ, trong đó tập trung xử lý nghiêm việc phát hiện chất cấm trong nước tiểu lợn.
Bên cạnh đó, Cục Thú y đã chuyển 4.000 bộ kit thử nhanh Salbutamol tới 54 Chi cục Thú y trên cả nước để phục vụ công tác kiểm tra chất cấm (thực hiện từ ngày 01/4/2016 đến 30/6/2016); tập trung lấy mẫu, kiểm tra tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…
Trao đổi với báo chí, đại điện Cục thú y cho hay: "Cục thú y đã yêu cầu các Chi cục Thú y Tỉnh xử lý nghiêm và đồng bộ hành vi vi phạm, bao gồm xử lý vi phạm hành chính và thực hiện tiêu hủy toàn bộ gia súc được xác định dương tính với chất cấm theo quy định tại điểm h khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều 13 Nghị định 119/2013/NĐ-CP. Trong tháng 4 và tháng 5/2016, Cục Thú y tổ chức các đoàn thanh kiểm tra đột xuất việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về kiểm soát chất cấm tại một số tỉnh, thành phố, nơi mà tháng 3/2016 còn phát hiện nhiều mẫu vi phạm, đồng thời kiểm tra một số địa phương báo cáo không phát hiện mẫu vi phạm".
Có thể thấy, với mức phạt tiền trước đây, phạt từ 9.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại thuốc thú y; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chứa hoạt chất cấm sử dụng trong Danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam. Hành vi kinh doanh, sử dụng chất cấm thực tế vẫn còn tồn tại trên thị trường một cách tinh vi do đó các cuộc Thanh tra, kiểm tra rất khó phát hiện. Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi này cần phải có nghiệp vụ trinh sát cũng như tăng cường các cuộc thanh tra đột xuất của các đoàn thanh tra liên ngành. Bởi vậy, với chế tài mạnh mẽ hơn được áp dụng vào ngày 1/7 tới đây sẽ có sức răn đe mạnh mẽ hơn với các cơ sở, cá nhân cố tình vi phạm nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.