Một trong những yêu cầu đó là Bộ Tư pháp phải là “người gác gôn” của Chính phủ trong các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự có mặt đông đủ của lãnh đạo Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, thể hiện sự quan tâm đến công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật của nước ta. Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao sự chuẩn bị tốt của Bộ Tư pháp cho Hội nghị bằng việc sử dụng công nghệ để nói rõ việc làm được, điểm mới, khuyết điểm trong triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Về thành tích, theo Thủ tướng, Bộ Tư pháp và các cơ quan Tư pháp địa phương đã có đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu mà Chính phủ được Quốc hội giao cả về số lượng chất lượng. “Không phải là nói động viên mà những thể chế được ban hành, chỉ đạo điều hành đã thúc đẩy, tháo gỡ những vấn đề đặt ra của đất nước… Số lượng văn bản của chúng ta thời gian qua để thúc đẩy phát triển, xử lý các vấn đề đặt ra đã góp nên bức tranh đa màu trong sự phát triển của đất nước” – Thủ tướng khẳng định.
Nhân đây, Thủ tướng chia sẻ những khó khăn của Tư pháp Việt Nam so với nhiều nước trong bối cảnh có nhiều vấn đề phải đề cập nhưng khung khổ pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện rồi câu chuyện hội nhập sâu rộng; nguồn đào tạo cán bộ tư pháp rất đa dạng; tư vấn pháp lý bằng công nghệ 4.0; chính sách, chế độ cho cán bộ pháp chế khi yêu cầu cao, khối lượng công việc nhiều, ít được quan tâm bồi dưỡng phát triển…
Trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp bám sát chương trình, kế hoạch công tác, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tham mưu xây dựng, hoàn thiện tổ chức thi hành pháp luật, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên các mặt công tác, cơ bản đảm bảo chất lượng, xử lý kịp thời các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn điều hành đất nước. Thủ tướng cho biết, trong hầu hết các cuộc họp Chính phủ đều có sự tham gia, đóng góp rất trách nhiệm của Bộ Tư pháp về khía cạnh pháp lý, thực thi pháp luật, được Chính phủ đánh giá cao. Đối với địa phương, công tác tham mưu của cơ quan Tư pháp cho lãnh đạo địa phương đảm bảo cơ bản các văn bản chỉ đạo điều hành, văn bản pháp quy tuân thủ đúng quy định pháp luật…
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những kết quả toàn ngành Tư pháp đạt được thời gian qua, sự sôi nổi, trách nhiệm, toàn diện của Bộ trưởng Lê Thành Long trong tổ chức hoạt động Bộ Tư pháp.
Cụ thể, Thủ tướng nêu một số kết quả đáng chú ý như việc thẩm định các dự án, dự thảo nâng lên rõ rệt về chất lượng, đặc biệt cách thức lập đề nghị được đổi mới, kịp thời hơn. Thực hiện chức năng thẩm định, Bộ Tư pháp rất quyết liệt, đảm bảo chất lượng, tiến độ báo cáo thẩm định, có đủ điều kiện trình Chính phủ hay không, được các bộ, ngành tiếp thu. Trong công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm – là cách thức cần thiết bảo đảm pháp chế XHCN. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có bước tiến, bước đầu đổi mới áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng phương pháp hiện đại hơn trong truyền thông đưa pháp luật vào cuộc sống.
Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao, việc thu hồi các khoản nợ, tài sản tham nhũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công tác bổ trợ tư pháp thì đã chú trọng hơn trong xã hội hóa một số lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu của người dân, giảm tải cho Nhà nước. Công tác pháp luật quốc tế vốn rất quan trọng cho một đất nước hội nhập thì đã xử lý được nhiều vụ tranh chấp đầu tư, thương mại có yếu tố nước ngoài, Thủ tướng luôn tin tưởng giao Bộ Tư pháp làm đầu mối chủ trì khi phát sinh các vụ tranh chấp…
Lưu ý một số tồn tại, bất cập cần khắc phục, Thủ tướng chỉ ra rằng tuy có nhiều tiến bộ nhưng xây dựng thể chế, pháp luật vẫn bất cập, chưa theo kịp thực tế, thiếu khả thi, tình trạng nợ đọng vẫn còn, vẫn còn một số dự án xin rút, xin lui. Đây là tình trạng chung trong hệ thống, không phải của riêng Bộ Tư pháp nhưng cán bộ tư pháp, pháp chế phải giữ vai trò quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, phải tăng cường đôn đốc, không để tình trạng “bắc nước chờ gạo” mà nhiều đại biểu Quốc hội đã phản ánh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng điểm qua nhiều sai phạm được phát hiện như vi phạm về đất đai, vụ AVG, Thủ Thiêm… và vấn đề Thủ tướng trăn trở là “cán bộ pháp chế với tư cách người gác gôn về pháp luật nghĩ gì, đã làm hết trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo chưa hay góp ý nhưng lãnh đạo không nghe, có vấn đề gì trong tham mưu không” và Nghị định 55 cần làm thêm điều gì để khắc phục khiếm khuyết này.
Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng tình trạng nhờn luật còn khá phổ biến thì Bộ, ngành Tư pháp có đề xuất đột phá nào để thực thi pháp luật hiệu quả hơn. Hoạt động một số nghề tư pháp còn tiềm ẩn phức tạp, còn bộc lộ nhiều bất cập. Giám định tư pháp nhiều tồn tại, nhất là giám định phục vụ các vụ án tham nhũng lớn. Tham gia tranh tụng quốc tế tuy cố gắng nhưng ở địa phương còn bị động, bị rồi mới kêu cứu xử lý, chủ động trước đó chưa tốt, chưa phòng mà toàn chống thì Bộ Tư pháp cần rút kinh nghiệm ra sao cho tốt hơn, hiệu quả hơn. Án dân sự chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng, tỷ lệ thu hồi tài sản thấp. Việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan Tư pháp địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa thống nhất…
Nhắc lại phương châm của Chính phủ năm 2019, Thủ tướng lưu ý từ “bứt phá” thì đâu là nội dung bứt phá của Bộ Tư pháp và phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước năm 2019 phải hơn 2018 thì ngành Tư pháp hơn cái gì. Từ đó, Thủ tướng gợi ý Bộ Tư pháp cần xác định tập trung tốt nhất cho nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, phải là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý, khả thi của hệ thống pháp luật và là “người gác gôn” của Chính phủ trong vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ một cách rõ nét, bài bản hơn, trong đó tập trung trả lời vai trò “nhạc trưởng” là gì, như thế nào – đó là tham mưu cho Chính phủ nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi theo tiêu chuẩn ASEAN, hướng tới tiêu chuẩn OECD, khát vọng đưa dân tộc tiến bước sát cánh cùng các nước tiến bộ và tạo điều kiện cho khởi nghiệp, sáng tạo ở nước ta.
Ngoài ra, cải cách thể chế, tư pháp theo Nghị quyết 48, 49 phải thực sự, đồng bộ với kinh tế - xã hội; đôn đốc, chủ trì hướng dẫn một số công việc trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đúng tiến độ, phải gương mẫu trình đúng thời hạn, đặc biệt Luật sửa đổi một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cần tiếp tục rà soát, thực hiện đúng phương châm “tư pháp hướng về cơ sở, vì dân, gần dân” thì cần coi trọng công tác xây dựng đảng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là Nghị quyết Trung ương 4.
Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quan tâm đến cán bộ pháp chế, lo lắng nhiều hơn đến đời sống của anh em. Nhắc lại lời dặn của Bác Hồ tại Hội nghị năm 1950, Thủ tướng quan niệm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm nặng nề thì phải hoàn thành tốt trách nhiệm nặng nề này với tin tưởng Bộ sẽ có một năm bứt phá, một năm hơn hẳn kết quả của năm 2018.