Bộ Tư pháp: Sẽ ban hành Quy chế quản lý hoạt động báo chí xuất bản

Hôm qua (4/6), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm đánh giá hiệu quả phối hợp thực hiện công tác quản lý báo chí, xuất bản (BCXB) cơ quan Bộ Tư pháp nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng công tác quản lý của cơ quan chủ quản trong thời gian tới, nhất là hướng tới ban hành được Quy chế quản lý hoạt động BCXB của Bộ Tư pháp.

Hôm qua (14/6), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm đánh giá hiệu quả phối hợp thực hiện công tác quản lý báo chí, xuất bản (BCXB) cơ quan Bộ Tư pháp nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng công tác quản lý của cơ quan chủ quản trong thời gian tới, nhất là hướng tới ban hành được Quy chế quản lý hoạt động BCXB của Bộ Tư pháp.

Hiện nay, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản của 2 đơn vị báo chí gồm Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật và 1 đơn vị xuất bản là Nhà xuất bản (NXB) Tư pháp. Đánh giá về công tác quản lý BCXB của Bộ Tư pháp, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật – đơn vị đầu mối có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng quản lý hoạt động BCXB của Bộ - cho rằng, Bộ luôn quan tâm chỉ đạo, định hướng các báo, tạp chí, NXB hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và phạm vi phát hành, thể hiện bản sắc riêng, đại diện cho tiếng nói của ngành Tư pháp.

Phó Tổng biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam Đặng Ngọc Luyến cho biết: Trong quá trình phát triển 27 năm của mình, Báo xác định vai trò của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí là rất quan trọng, đặc biệt trong 5 năm gần đây vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ được nâng cao rất nhiều, thể hiện rõ qua việc phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Báo giai đoạn 2008 - 2015. Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Báo cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm thông tin kịp thời về các lĩnh vực hoạt động của Bộ, của ngành Tư pháp.

Tuy nhiên, công tác quản lý của Bộ Tư pháp đối với các đơn vị BCXB thuộc Bộ còn một số khó khăn, tồn tại. Đó là, chế độ giao ban ban BCXB của Bộ, chế độ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về BCXB trong các đơn vị BCXB của Bộ chưa được thường xuyên, ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý.

Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền thẳng thắn thừa nhận việc chậm ban hành Quy chế quản lý khiến cho hoạt động quản lý chưa thống nhất, thiếu cơ chế phối hợp cụ thể. Đại diện lãnh đạo 2 cơ quan báo chí của Bộ thì cùng phản ánh là một số đơn vị thuộc Bộ không chú trọng, thậm chí “thờ ơ” trong phối hợp với đơn vị báo chí.

Vì vậy, một trong những giải pháp tăng cường công tác quản lý được kỳ vọng là sớm ban hành Quy chế quản lý BCXB của Bộ. “Quy chế quản lý mà được ban hành thì mối quan hệ giữa lãnh đạo Bộ với các đơn vị, giữa các đơn vị với nhau sẽ tốt hơn, có sự điều hòa công việc giữa các đơn vị, làm rõ trách nhiệm của đơn vị đầu mối trong quản lý hoạt động BCXB” -  Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ & Pháp luật Đặng Vũ Huân nhấn mạnh.

Còn Phó Chánh Văn phòng Bộ Đàm Văn Tuấn khẳng định, việc ban hành Quy chế quản lý sẽ chấm dứt được tình trạng “ăn đong” hoạt động hiện nay, tức là các đơn vị sẽ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau hơn thay vì chỉ có hoạt động nào cần tuyên truyền mới phối hợp với các đơn vị báo chí.

Các ý kiến đề xuất một số nội dung cần lưu ý trong quá trình xây dựng Quy chế quản lý như làm rõ nội dung quản lý hoạt động BCXB; giao ban công tác BCXB theo định kỳ hàng tháng; trách nhiệm của các đơn vị BCXB; trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị BCXB; trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quản lý hoạt động BCXB… Ghi nhận tất cả các góp ý trên, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền chỉ đạo Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật khẩn trương hoàn thiện để có thể ban hành Quy chế trong quý IV/2012.

Thục Quyên

Đọc thêm