Như vậy, trong 2 năm liên tiếp 2016 – 2017, Bộ Tư pháp đều tăng hạng Chỉ số CCHC (năm 2016 tăng từ vị trí thứ 9 lên thứ 6, năm 2017 tăng từ vị trí thứ 6 lên thứ 4). Kết quả này đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ - biểu dương ngay tại Hội nghị công bố.
Bộ Tư pháp là 1 trong 3 Bộ có kết quả cao nhất về Chỉ số thành phần chỉ đạo, điều hành CCHC
Theo phân tích chi tiết số điểm đạt được trên 7 lĩnh vực đánh giá của Chỉ số CCHC cấp bộ có thể thấy, một số lĩnh vực CCHC của Bộ Tư pháp đã đạt kết quả tích cực, góp phần vào kết quả CCHC chung của Bộ. Nổi bật nhất là kết quả công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của Bộ Tư pháp được đánh giá 11.50/12 điểm, đạt 95.83% về Chỉ số thành phần Chỉ đạo, điều hành CCHC. Năm 2017, Bộ Tư pháp là 1 trong 3 Bộ có kết quả Chỉ số thành phần Chỉ đạo, điều hành CCHC cao nhất trong số 19 đơn vị (2 Bộ còn lại là Công Thương, Thông tin và Truyền Thông cùng có kết quả là 95.83%).
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đạt kết quả cao so với năm 2016 trong 3 lĩnh vực khác là lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; lĩnh vực hiện đại hóa hành chính.
Cụ thể, lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp đạt 14.78/17 điểm, tương ứng với Chỉ số thành phần là 86.92% - tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 như năm 2016. Lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đạt 15.13/17 điểm, tương ứng với Chỉ số thành phần là 89.00%, tăng 22.33% so với năm 2016 (tăng 9 bậc từ thứ 15 năm 2016 lên thứ 6 năm 2017). Lĩnh vực hiện đại hóa hành chính đạt 15.08/17.5 điểm, tương ứng với Chỉ số thành phần là 86.17%, tăng 19.5% so với năm 2016 (tăng 3 bậc từ thứ 7 năm 2016 lên thứ 4 năm 2017).
Hội nghị cũng đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của các cơ quan hành chính nói chung trong cả nước. Theo công bố, các cơ quan hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp (cấp tỉnh) có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cao nhất (đạt 84.85%), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của lĩnh vực tư pháp (cấp xã) xếp thứ 4 (đạt 81.93%). Như vậy, cơ bản đảm bảo mục tiêu “Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020” theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ.
CCHC được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài
Có thể thấy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự quyết tâm của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, kết quả Chỉ số CCHC nêu trên đã phản ánh kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của Bộ Tư pháp. Trong năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành CCHC tiếp tục được Bộ Tư pháp triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với lộ trình cải cách chung của Chính phủ và bám sát Kế hoạch CCHC của Bộ. Cùng với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ CCHC, các đơn vị thuộc Bộ đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC bảo đảm gắn kết với các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.
Từ kết quả Chỉ số CCHC năm 2017, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, trong tháng 5/2018, Bộ Tư pháp cho biết sẽ thực hiện việc rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế trong công tác CCHC của Bộ để làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức và đề ra các biện pháp cụ thể để bảo đảm các nhiệm vụ CCHC của Bộ tiếp tục được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch trong những năm tiếp theo. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong góp phần giúp Chính phủ thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Đơn cử, riêng về kết quả thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh của Bộ, qua rà soát các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý thì không có nội dung liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành và có tổng số 99 điều kiện kinh doanh thuộc 7 lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt giảm là 43, chiếm tỷ lệ 43,43%.
Để thực thi phương án cắt, giảm các điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp đã rà soát và xác định các quy định cụ thể của một số luật, pháp lệnh, nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ. Sau khi có ý kiến phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với báo cáo rà soát của Bộ Tư pháp về các quy định về điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực tư pháp và phương án đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng các văn bản thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.