Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Bộ Tư pháp thực hiện đồng bộ việc học tập, nghiên cứu và triển khai Nghị quyết ĐH XIII

(PLVN) - Để đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, nhất là những quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Kim Tinh (ảnh) cho biết, Đảng ủy đã nhanh chóng triển khai nhiều công việc đảm bảo thực hiện ngay các chủ trương trong Nghị quyết của Đảng.
Bộ Tư pháp thực hiện đồng bộ việc học tập, nghiên cứu và triển khai Nghị quyết ĐH XIII

Cụ thể, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư Trung ương tổ chức vừa qua với sự tham gia đầy đủ của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong Bộ Tư pháp, thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW ngày 09/3/2021 của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hướng dẫn số 03-HD/BTGTW ngày 18/3/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ủy Bộ đã ban hành Kế hoạch học tập, phổ biến, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII trong Đảng bộ. Trong đó, yêu cầu 100% cán bộ, đảng viên phải được học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết.

Mặt khác, Đảng ủy Bộ có công văn chỉ đạo gửi tất cả Đảng bộ, Chi bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban tham mưu của Đảng ủy Bộ đôn đốc, nhắc nhở tổ chức nghiên cứu, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo đó, tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư pháp yêu cầu thực hiện những nội dung, nhiệm vụ đã xác định trong nhiệm kỳ 2020 – 2025; xác định rõ lộ trình thực hiện, bảo đảm tính khả thi, chất lượng, hiệu quả... nhằm cụ thể hóa phương hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện, đặc thù của Đảng bộ Bộ Tư pháp. Đồng thời, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Bộ Tư pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Khối.

Về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng ủy Bộ Tư pháp dự kiến sẽ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện, đặc thù của Đảng bộ Bộ Tư pháp; tập trung khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế của nhiệm kỳ trước; thực hiện có chất lượng, hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ mới đã xác định. Phân công rõ trách nhiệm, đề cao vai trò, trách nhiệm của từng ủy viên Ban Chấp hành Đảng Bộ, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp khẳng định: “Về mặt chủ trương là như trên nhưng Đảng ủy Bộ Tư pháp xác định giữa học tập, nghiên cứu và triển khai đưa Nghị quyết vào cuộc sống phải đồng bộ. Trước hết về nhận thức, phải đảm bảo tất cả cán bộ chủ chốt, đảng viên nhận thức được việc sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ngoài việc nắm chắc, hiểu rõ các nội dung trong Nghị quyết, còn phải đưa vào cuộc sống bằng cách thể chế đường lối, chủ trương của Đảng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng thể chế, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chính sách thu hút nhân tài…”.

Ông Nguyễn Kim Tinh dẫn chứng, các đơn vị xây dựng pháp luật của Bộ đã bắt tay ngay vào công việc này khi thẩm định, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thì phải đưa các chủ trương trong Nghị quyết của Đảng vào các quy định của pháp luật để Nghị quyết đi ngay vào cuộc sống. Chẳng hạn, Vụ Pháp luật dân sự kinh tế vừa tổ chức một hội thảo về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN để cụ thể hóa nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nghị quyết. Hay trong công tác cán bộ vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức tuyển dụng cán bộ theo chính sách thu hút sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và thu hút được 3 cán bộ xuất sắc trong tổng số 14 hồ sơ đã nộp.

“Tất nhiên, trong công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp phải làm dần dần, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phải có chương trình, kế hoạch theo quy định của pháp luật. Nhưng về mặt chủ trương chỉ đạo, Đảng ủy Bộ Tư pháp rất quyết liệt, yêu cầu các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc phải đưa ngay Nghị quyết vào cuộc sống, từng đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện, không chờ đợi, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng”.

Bên cạnh đó, cùng với dự thảo Chương trình hành động của Đảng ủy Bộ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng đang dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp dự kiến nhiều công việc cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, có phân công nhiệm vụ cho các đơn vị chủ trì thực hiện và cùng hướng tới mục tiêu chung là thực hiện Nghị quyết của Đảng nhanh nhất, hiệu quả nhất, thắng lợi nhất. 

Đảng ủy Bộ cũng yêu cầu Đảng ủy Báo Pháp luật Việt Nam, Đảng ủy Học viện Tư pháp, Chi bộ Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Chi bộ Cục Công nghệ thông tin nghiên cứu, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tổ chức viết bài và đăng tin để tuyên truyền, phổ biến về những nội dung cơ bản trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và việc triển khai thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp. 

Đọc thêm