Phát triển thêm một bước tiếp cận mới
PGS.TS Tường Duy Kiên cho biết, trong lĩnh vực bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng là “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”... được đề ra tại các Đại hội trước. Bên cạnh đó, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và thời đại, Đảng đã có một số cách tiếp cận mới, quan điểm mới cần được quán triệt, vận dụng và phát triển trong bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nếu như trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” thì Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyên vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
PGS.TS Tường Duy Kiên cho rằng, việc lấy nhân dân là trung tâm và là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước, Đảng đã phát triển thêm một bước tiếp cận mới không chỉ về lý luận mà dựa trên tổng kết từ thực tiễn của 35 năm đổi mới và cả chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, như quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về nhân dân, đó là: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”.
Quan điểm nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đã làm sáng rõ hơn về chủ thể hưởng quyền con người. Từ cách tiếp cận này, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”.
“Đây là cách tiếp cận mới... Phương pháp tiếp cận này đã và đang được Liên Hợp quốc và nhiều nước phát triển sử dụng rộng rãi trong hoạch định chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển. Theo đó, các chương trình, chính sách phát triển, đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể hưởng quyền, đó là người dân/nhân dân. Lấy quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể hưởng quyền là cơ sở xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước” - ông Kiên nhận định.
Ưu tiên hoàn thiện pháp luật về quyền con người
Từ cách tiếp cận nhân dân là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển, Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh vai trò lập pháp của Quốc hội, đó là: Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, cơ chế giám sát, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Theo PGS.TS Tường Duy Kiên, với vai trò là cơ quan lập pháp, Quốc hội có nhiệm vụ cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quyền con người thành các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trước hết là ưu tiên xây dựng các đạo luật về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý để tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và của toàn xã hội.
Trong thời gian tới, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền con người, lấy nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển, Quốc hội có nhiệm vụ quan trọng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; trước hết tiếp tục thể chế hóa các nguyên tắc, quy định, chế định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết, phê chuẩn.
Trong xây dựng các đạo luật, Quốc hội, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quán triệt quan điểm lấy nhân dân là trung tâm và là chủ thể hưởng quyền trong toàn bộ quá trình thiết kế xây dựng các quy phạm pháp luật, các chế định pháp luật, cũng như trong tổ chức thực hiện pháp luật.
Đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, quan điểm, chỉ đạo của Đảng là tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Trên cơ sở đề cao vai trò của các thiết chế nhà nước và xã hội trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Đại hội XII của Đảng quan tâm và nhấn mạnh các nhóm yếu thế trong xã hội như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân. Đối với trẻ em, quan điểm của Đảng là “Chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em; dành những điều kiện tốt nhất, sự chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước”. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng coi người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam.