Dự buổi bồi dưỡng nghiệp vụ có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, đại diện lãnh đạo, chuyên viên thuộc 12 Sở Tư pháp các tỉnh khu vực phía Bắc, cùng các giảng viên thuộc Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ, Hội nhà báo Việt Nam.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh, phát biểu tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. |
Phát biểu tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Thu Anh cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thông tin về các lĩnh vực công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp luôn được quan tâm ưu tiên, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt là công tác văn phòng, thời gian qua, văn phòng Bộ đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, đã tạo được những hiệu ứng tích cực. Trong đó, có những chủ đề rất thời sự, cần thiết đối với công tác Văn phòng trong bối cảnh mới như vấn đề bảo vệ bí mật nhà nước, chuyển đổi số, làm việc trên môi trường điện tử, lưu trữ số hay quan hệ báo chí.
Bà Lê Thu Anh nhấn mạnh, công tác văn phòng là công tác quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động của tất cả các cơ quan, là đơn vị tổ chức giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo, tổng hợp, xử lý, phân tích thông tin phục vụ việc ra các quyết định quản lý, điều hành của lãnh đạo. Buổi Bồi dưỡng nghiệp vụ là dịp để cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm giúp cho cơ quan, đơn vị mình làm công tác Văn phòng thực hiện tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn các công việc được giao, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác.
Thượng tá Phạm Văn Sính, Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an, chia sẻ tại lớp bồi dưỡng. |
Chia sẻ tại lớp, Thượng tá Phạm Văn Sính, Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an, giảng viên chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ Bí mật nhà nước” cho biết, trong xu thế phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nuớc, mỗi công dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ văn phòng, cần phải phải chủ động phòng ngừa, bịt kín mọi sơ hở, thiếu sót, không để các thế lực thù địch lợi dụng thâm nhập nội bộ, thu thâp bí mật nhà nước (BMNN).
Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo tiêu chuẩn về chính trị, trình độ, năng lực của cán bộ làm việc tai các bộ phận thiết yếu, cơ mật, nơi chứa nhiều (BMNN), và có quy chế quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ này; thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức bảo vệ (BMNN) cho số cán bộ, công chức, thường xuyên có quan hệ tiếp xúc với nước ngoài, các phương tiện thông tin đại chúng, lĩnh vực báo chí, xuất bản.
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam, phát biểu tại lớp bồi dưỡng. |
Tǎng cường thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ (BMNN) tai các Bộ, Ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kip thời phát hiện và chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, thiếu sót; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; khen thưởng, động viên khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong công tác bảo vệ (BMNN).
Thạc sỹ Nguyễn Anh Thư, Chuyên viên chính, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, phát biểu tại lớp bồi dưỡng. |
Tại lớp bồi dưỡng, Thạc sỹ Nguyễn Anh Thư, Chuyên viên chính, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ, giảng viên chuyên đề “Quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ số theo định hướng Luật Lưu trữ (sửa đổi)” cho biết: để đáp ứng yêu cầu cấp thiết đổi mới công tác văn thư lưu trữ, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi việc xử lý văn bản, thủ tục hành chính, từ môi trường truyền thống sang môi trường điện tử nhằm hiện đại hóa nền hành chính nhà nước trong cuộc cách mạng công nghệ hiện nay.
Bà Nguyễn Anh Thư nhấn mạnh, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác văn thư, lưu trữ; thường xuyên quán triệt, phổ biến các văn bản về công tác văn thư, lưu trữ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ, nhất là giá trị tài liệu lưu trữ.
Quang cảnh lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. |
Thực hiện nghiêm các quy định về công tác lưu trữ: Giao nộp hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử; chỉnh lý, số hóa tài liệu; tổ chức quản lý, khai thác, bảo quản hồ sơ; bố trí Kho lưu trữ; tiêu hủy tài liệu hết giá trị; thực hiện các trình tự, thủ tục đối với hồ sơ, tài liệu mang bí mật nhà nước theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật Lưu trữ và các văn bản pháp luật có liên quan.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bản, giải quyết công việc, lập hồ sơ điện tử và lưu trữ hồ sơ, tài liệu điện tử, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số trên địa bàn. Đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ, đầu tư mua sắm các phần mềm số hóa, lưu trữ điện tử đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và thực hiện lưu trữ.
Về kỹ năng viết thông cáo báo chí, phản hồi thông tin và trả lời phỏng vấn trên báo chí, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam cũng đã đưa ra các giải pháp, phân tích mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu, nội dung, về công tác báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Cùng với các giảng viên tại lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã phân tích đánh giá thực trạng công tác văn phòng, một số nội dung cần quan tâm trong thực hiện chế độ báo cáo ngành Tư pháp. Năm 2024, Bộ Tư pháp đã ban hành danh mục báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ, đơn giản hóa chế độ báo cáo thuộc lĩnh vực theo dõi, quản lý; đảm bảo mục tiêu cắt giảm tối thiểu 20% số lượng báo cáo định kỳ không phù hợp, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo. Đồng thời Bộ cũng đã đề nghị Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Tài liệu hướng dẫn sử dụng Hệ thống báo cáo.
Qua buổi học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, với tinh thần trách nhiệm, tích cực, hăng say, có cơ sở lý luận và thực tiễn cao, đã giúp các cán bộ làm công tác văn phòng nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm, phát huy tốt nhất công tác tham mưu, trợ thủ đắc lực cho lãnh đạo chỉ đạo điều hành, hoàn thành nhiệm vụ trong thời kỳ mới.