Ngay sau khi phát hiện có thai phụ nhiễm virus Zika, Bộ Y tế đã có Quyết định 1223/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika.
Theo Hướng dẫn của Bộ Y tế, người bị nhiễm virus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. 60%- 80% người bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Những trường hợp có biểu hiện thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng: sốt nhẹ, ban dát sần trên da, đau đầu, đau cơ mỏi khớp, viêm kết mạc mắt; Có thể có biến chứng về thần kinh: Guillain, viêm não, màng não hoặc hội chứng não nhỏ ở trẻ em sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai.
Bộ Y tế khuyến cáo Phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm phát hiện vi rút Zika khi có đủ các yếu tố như: Mang thai 3 tháng đầu; đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch; chồng, bạn tình có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika; có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám thai ngoài nội dung khám thai thường quy, cần hỏi tiền sử đi lại để phát hiện nếu người phụ nữ hoặc chồng/bạn tình đã từng có mặt ở vùng dịch; Khám phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng liên quan đến căn bệnh do nhiễm Zika; Siêu âm để đánh giá chính xác tuổi thai và đánh giá hình thái học thai nhi phát hiện đầu nhỏ.
Trong bối cảnh dịch bệnh do vius Zika, khi siêu âm, cần chú trọng xác định đầu nhỏ ở thai nhi và/hoặc các bất thường khác của não như giãn não thất, vôi hóa, teo não, không xác định được các bộ phận của não…
Đối với phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Zika thì việc chăm sóc thai sản cần căn cứ vào kết quả siêu âm để có xử trí phù hợp. Khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não thì thai phụ sẽ được tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai theo quy định và hẹn siêu âm lại sau mỗi tháng.
Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hoặc bất thường về não thì thai phụ cần được chuyển đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để chẩn đoán chính xác; cân nhắc tiến hành chọc ối hoặc các thăm dò khác để sàng lọc các dị tật bẩm sinh.
Nếu chẩn đoán xác định có chứng đầu nhỏ, các cán bộ y tế phải thực hiện thêm các thăm dò khác để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân và phát hiện các dị tật khác.
Đồng thời, cán bộ y tế cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn cho người phụ nữ đang mang thai và người nhà để gia đình tự quyết định. Trường hợp gia đình quyết định giữ thai, cán bộ y tế cần tiếp tục chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cho người phụ nữ và gia đình…
Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi vằn Aedes truyền và có thể gây thành dịch. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika và khám thai định kỳ.
- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.
- Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus Zika.
- Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai.
- Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus Zika cho mẹ và con./.