Bộ Y tế khuyến cáo: Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông

(PLO) - Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV). Vì vậy, nếu phải đi nước ngoài, người dân cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
Bộ Y tế khuyến cáo: Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông

Trước đó, tại Hàn Quốc ghi nhận trường hợp mắc MERS-CoV (hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông) đầu tiên trong năm 2018 về từ Trung Đông.

Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): hiện nay tại một số nước khu vực Trung Đông vẫn đang lưu hành dịch bệnh MERS-CoV và có thể tiếp tục ghi nhận một số trường hợp mắc mới đơn lẻ tại khu vực hoặc về từ vùng có dịch. Bộ Y tế Việt Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia trên thế giới theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh MERS-CoV và kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp.

Về triệu chứng của bệnh, Bộ Y tế cho biết: Người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như: sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người; tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần tiếp xúc với người bệnh, người dân phải đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

Mọi người cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; tăng cường thông khí nơi làm việc, nhà ở, trường học, cơ sở y tế... bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Người dân nên thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác; tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý. Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt là những người có liên quan dịch tễ, mọi người phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

MERS-CoV lây truyền ban đầu từ lạc đà sang người, cụ thể là từ lạc đà 1 bướu vùng Trung Đông lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất thải tiết từ lạc đà hoặc sử dụng các sản phẩm như thịt, sữa lạc đà tươi. Sau đó, bệnh lây truyền từ người sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp (giọt bắn, đồ vật bị ô nhiễm, bàn tay ô nhiễm) trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân (các thành viên trong gia đình, người chăm sóc, nhân viên y tế).

Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông là bệnh truyền nhiễm mới nổi thuộc danh mục bệnh nhóm A do một chủng vi rút mới của họ vi rút corona gây nên (gọi tắt là MERS-CoV). Bệnh xuất hiện lần đầu tiên từ tháng 4 năm 2012 tại Ả Rập Xê Út. Bệnh ghi nhận chủ yếu tại khu vực Trung Đông. Người bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp cấp, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao; tỷ lệ chết/mắc từ 35% - 40%. Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ gây khó khăn cho việc phát hiện, chẩn đoán. MERS-CoV có thời gian ủ bệnh kéo dài tới 14 ngày và có những trường hợp người lành mang vi rút hoặc người bệnh có triệu chứng nhẹ nên rất khó phát hiện.

Đọc thêm