Nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh
Theo thông tin từ hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 6.662 trường hợp nhập viện, không có tử vong. Một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Được biết tính đến ngày 14/7/2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 773 ca mắc tay chân miệng, tăng 2 lần so với cùng kỳ, các ca bệnh rải rác ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hiện bệnh này chưa có vaccine phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Dự báo số mắc tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền. Đối tượng thường mắc ở lứa dưới 10 tuổi.
Tại Bệnh viện E, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 - 15 trường hợp tới khám tay chân miệng mỗi ngày. Đặc biệt trong ngày 7/7, đã có bốn bệnh nhi phải nhập viện vì có biểu hiện của tay chân miệng cấp độ 2 với những biểu hiện phỏng nước trên da, niêm mạc, ở lòng bàn tay, bàn chân, các dấu hiệu bệnh nặng như sốt cao không giảm, li bì...
Trong số bốn bệnh nhi này, ngoài một trường hợp xác định được nguồn lây nhiễm là người anh trai bị tay chân miệng cách đây một tuần thì các trường hợp còn lại đều không rõ nguồn lây. Theo các chuyên gia y tế, hầu hết trẻ phát hiện tay chân miệng đều khá muộn bệnh tình đã chuyển biến sang giai đoạn 2.
Chẳng hạn như trường hợp bé B.N (8 tháng tuổi, ở Hà Nội) đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng chân và tay nổi rất nhiều nốt phỏng, trước khi nhập viện, N bỗng dưng nôn và đi ngoài nhiều. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho thấy bé N mắc tay chân miệng mức độ 2A.
Tương tự, bé N.D.L (25 tháng tuổi, ở Hà Nội) bệnh diễn biến sang giai đoạn 2 gia đình mới phát hiện và đưa bé đến bệnh viện. Sau quá trình thăm khám các bác sĩ nhận thấy, vùng da đùi hai bên của bé nhiều mụn nước đã khô. Bé được tiến hành làm xét nghiệm công thức máu CRP và EV71. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé L mắc tay chân miệng độ 2A.
Nhận biết bệnh, chủ động phòng tránh
Bệnh tay chân miệng (viết tắt là HFMD) gây ra do virus cấp tính Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Bệnh tay chân miệng trẻ em có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi. Ở Việt Nam, bệnh tay chân miệng có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm. Trong đó, thời điểm từ tháng 3-5 và tháng 9-12 số ca trẻ em nhiễm tay chân miệng có xu hướng tăng rõ rệt.
Trẻ mắc tay chân miệng ở giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn... Tuy nhiên, các triệu chứng này lại dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hay bệnh thủy đậu. Trong 1- 2 ngày đầu nhiễm bệnh tay chân miệng trẻ em sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, các nốt ban này sẽ trở thành bóng nước.
Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý để không bị nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc cơ quan sinh dục ở trẻ.
Khác với bệnh sởi, trẻ không thể tự tạo ra miễn dịch đối với tay chân miệng do cơ thể có thể mắc nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau qua mỗi năm. Vì vậy, trẻ mắc tay chân miệng có thể tái mắc sau đó.
Hiện các bác sỹ thực hiện phân loại tay chân miệng ở trẻ em theo mức độ nặng của bệnh theo 4 mức độ để xác định và đưa ra quyết định bệnh nhân nhi có cần nhập viện điều trị hay không. Khi trẻ mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất được các bác sỹ khám, tư vấn, điều trị kịp thời.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, ngày 13/7/2020, Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 583/DP-DT yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Theo đó, Sở Y tế tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng: công tác truyền thông, bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị... Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, phân tuyến điều trị. Tổ chức lọc bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.
Các bệnh viện bệnh nhiệt đới ở địa phương rà soát điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.
Đồng thời đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm tay chân miệng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình. Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo.
Sở Y tế các tỉnh giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Cục Y tế dự phòng yêu cầu cần thực hiện chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm về Bộ Y tế - Cục Y tế dự phòng theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.