Sáng nay (23/5), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì, kết nối từ điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Y tế đến UBND các tỉnh, thành phố.
Không khoan nhượng với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, quản lý thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị.
"Bộ Y tế luôn xác định rõ công tác quản lý các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế là nhiệm vụ then chốt trong phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ Y tế là kiên quyết, đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng giả trong lĩnh vực y tế. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi buông lỏng quản lý, tiếp tay hoặc bao che cho các hoạt động sai phạm”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Theo bà Lan, thời gian qua, Bộ Y tế hiện đang tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ đã trình dự thảo Luật An toàn thực phẩm sửa đổi. Song song đó, thường xuyên cập nhật các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đặc thù này.
"Đây là lĩnh vực có yếu tố kỹ thuật cao, phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại cơ sở. Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi chính sách cần được tiến hành thường xuyên và toàn diện", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Theo Bộ Y tế, thực tế triển khai tại các địa phương cho thấy, đây là thị trường có lợi nhuận cao, dễ bị lợi dụng bởi các đối tượng làm ăn không chính đáng. Nhiều hành vi vi phạm đã qua mặt cơ quan chức năng nhờ khai thác kẽ hở pháp luật hoặc những bất cập trong thực tiễn thực thi.
"Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử và mạng xã hội phát triển nhanh chóng, việc quản lý các sản phẩm y tế càng trở nên phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe và tính mạng người dân", bà Lan nói.
|
Toàn cảnh hội nghị. |
Công tác hậu kiểm ở địa phương chưa nghiêm
Theo Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc vi phạm là việc tổ chức hậu kiểm tại địa phương chưa được triển khai đồng bộ, chưa nghiêm túc. Nhiều sản phẩm sau khi lưu thông ra thị trường không được kiểm tra, giám sát đầy đủ.
"Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc vi phạm trong thời gian qua là do cơ chế hậu kiểm tại địa phương chưa được triển khai một cách nghiêm túc, đồng bộ. Với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Thế nhưng thời gian qua, nhiều mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ sau khi lưu thông ra thị trường", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Do đó, cần đẩy mạnh cơ chế hậu kiểm, giao quyền cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện trên cơ sở rà soát, đánh giá thực tiễn.