Bối cảnh mới, biện pháp mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại diện UBND TP Hà Nội nêu ý kiến nhiều công trình không nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy (PCCC), song vẫn đưa người dân vào ở, nên cần cắt điện, nước để ngăn chặn.
Ảnh minh họa (Ảnh: dbndnghean.vn)
Ảnh minh họa (Ảnh: dbndnghean.vn)

Cắt điện, cắt nước với công trình vi phạm trật tự xây dựng không phải là ý tưởng mới. Đây là biện pháp từng được quy định trong Nghị định 180/2007/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, khi Luật Xây dựng 2014 được ban hành và có hiệu lực từ 2015 thì quy định này đã bị bãi bỏ. Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không có quy định về biện pháp hành chính là cắt điện, nước sinh hoạt với công trình vi phạm.

Hồi tháng 9/2023, báo cáo tình hình soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại diện UBND Hà Nội cho rằng, khi không còn biện pháp cắt điện, nước với công trình vi phạm, gây khó khăn trong xử lý vi phạm. Vì vậy, theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng sai quy hoạch, xây không có giấy phép, sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, công trình xây dựng trên đất lấn chiếm; thi công khi chưa được thẩm duyệt, chưa được nghiệm thu hoặc sai thiết kế về PCCC; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC cũng có thể bị cắt điện, nước. HĐND TP quy định chi tiết trường hợp, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Tại cuộc họp nêu trên, đại diện UBND TP Hà Nội nói đề xuất này bắt nguồn từ bức xúc trong thực tiễn. Khi xử lý một số khách sạn mini vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Thạch Thất, công an phải túc trực, không cho dân vào ở vì "Người dân đã vào ở thì rất khó xử lý". Chỉ có cắt điện, nước thì chủ công trình vi phạm mới không thể đưa người vào.

Đầu tháng 5/2024, tại Hội nghị đánh giá việc triển khai các chuyên đề, kế hoạch trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn do UBND Hà Nội tổ chức, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu nạn, cứu hộ cho biết, trên địa bàn Hà Nội, cơ quan chuyên môn đã thống kê được 1.429 nhà chung cư, 398 nhà ở nhiều căn hộ còn gọi là “chung cư mini”, 31.239 nhà trọ, 39.214 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Ngoài ra, toàn TP đang tồn tại 6.644 cơ sở xây dựng sai phép, không phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, khu vực đang bị thu hồi, hành lang bảo vệ đường sắt, lưới điện cao thế, đê, rừng…

Cũng tại Hà Nội, thời gian qua đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người dân tử nạn và bị thương. Trong bối cảnh này, để tình hình không ngày càng phức tạp hơn, góp phần khắc phục tồn tại ở các công trình đã vi phạm, thì cắt điện, nước có thể là một biện pháp phù hợp. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tại cuộc họp cũng đã nhận xét “quy định này đã được các đại biểu ủng hộ” và nên gọi đây là biện pháp ngăn chặn.

Đọc thêm