Chi thường xuyên chiếm 73% tổng chi
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tính đến 15/09/2017, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 786,3 nghìn tỷ đồng, tăng 18,2% và bằng 64,9% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 617,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,6% tổng thu. Thu từ khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI (không kể dầu thô) lần lượt đạt 120,2 và 111,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 61,8% và 55,4% dự toán.
Trong khi tổng chi NSNN tính đến 15/09 ước đạt 851,5 nghìn tỷ đồng và chỉ bằng 61,2% dự toán. Và ước tính bội chi ngân sách đến cuối quý 3 tiếp tục ở mức thấp khi chỉ đạt 65,2 nghìn tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (2015: 136 nghìn tỷ; 2016: 154,2 nghìn tỷ).
Theo VEPR, trong bối cảnh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm, ngày 03/08 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nhằm mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn được cho là vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng, vừa giảm tình trạng sử dụng lãng phí và kém hiệu quả vốn đầu tư công như hiện nay.
Đáng chú ý, trong 3 quý chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục duy trì ở mức thấp, ước tính đạt 153 nghìn tỷ đồng và chỉ chiếm 18,0% tổng chi. Trong khi đó, phần lớn tổng chi (khoảng 73%) là dành cho chi thường xuyên với 623 nghìn tỷ đồng. “Thực trạng này tiếp tục cho thấy sự thiếu cân bằng và bất hợp lý của tổng chi khi nguồn lực cho tăng trưởng dài hạn như đầu tư công bị hạn chế tương đối so với việc phục vụ nhu cầu ngắn hạn như chi thường xuyên và trả nợ”- Báo cáo quý 3 của VEPR nhận định.
Tăng thu không phải là giải pháp
Giải quyết vấn đề bội chi NSNN, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất dự thảo cải cách thuế, trong đó có đề nghị tăng thuế VAT. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho rằng, tăng thuế có thể giúp cải thiện nguồn thu trong ngắn hạn nhưng lại tăng gánh nặng lên nền kinh tế, giảm hiệu quả và động lực chung, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng và do đó là cơ sở nguồn thu. Do vậy, chuyên gia kinh tế này nói rất nên thận trọng với việc tăng thuế VAT trong bối cảnh hiện nay.
Đồng tình quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Nghị quyết 07 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị đòi hỏi tái cơ cấu toàn bộ ngân sách, giảm chi tiêu thường xuyên nhưng cho đến nay chỉ thấy Bộ Tài chính đưa ra giải pháp là tăng thu như: phí môi trường, xăng, thuế VAT... nhưng đây không phải là giải pháp mà cái cần làm là giảm chi tiêu thường xuyên.
PGS.TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh, ngân sách và nợ công là vấn đề dài hạn của nền kinh tế nhưng chưa được giải quyết hiệu quả trong nhiều năm qua. Theo chuyên gia này, hiện Chính phủ đang xoay quanh biện pháp tăng thu. Tuy nhiên, nguyên nhân thâm hụt ngân sách và nợ công của Việt Nam nằm ở vấn đề chi tiêu chứ không phải vấn đề thu ngân sách. “Vấn đề chi tiêu của chúng ta vừa tăng cao, vừa mất cân đối giữa chi tiêu dùng và chi đầu tư phát triển. Và chúng ta thấy tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam nên cho rằng nó đang giảm nhưng thực ra nó không giảm. Chúng ta đừng lầm tưởng cái tỷ lệ thu thuế của Bộ Tài chính so với GDP đang thấp để chúng ta viện dẫn việc tăng thu là rất nguy hiểm ” – TS. Anh cảnh báo.
Nhiều chuyên gia kinh tế than phiền, chi thường xuyên hiện nay vẫn quá cao do phải nuôi bộ máy hành chính quá cồng kềnh. “Hiện NS vẫn còn cầm cự được bởi chúng ta đang bán dần tài sản, đặc biệt là tài sản doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nên vẫn bù được một khoản lớn. Nếu chúng ta không quyết liệt trong việc cải cách bộ máy hành chính, cải cách trong chi tiêu thì trong tương lai, khi chúng ta bán hết DNNN đi thì không có cách gì, không có nguồn thu nào để có thể nuôi bộ máy lớn như thế”- chuyên gia Anh lưu ý.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, với tình trạng bội chi NSNN dai dẳng trong thời gian qua, cải thiện cơ cấu chi tiêu theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên là một giải pháp quan trọng. Chuyên gia này cho rằng, giải pháp cần thiết để giải quyết tình trạng bội chi NSNN là phải xây dựng cho được cơ sở hạ tầng thông tin tài chính hiệu quả và minh bạch của người dân và doanh nghiệp, qua đó tăng hiệu lực của nguồn thuế trực thu hiện hành. Bên cạnh đó, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải cách thể chế và hành chính, đặc biệt chú trọng đối với khu vực kinh tế tư nhân, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện năng suất, qua đó duy trì nguồn thu bền vững.
Sẽ không còn “cơm” để nuôi bộ máy hành chính
“Hiện NS vẫn còn cầm cự được bởi chúng ta đang bán dần tài sản, đặc biệt là tài sản DNNN nên vẫn bù được một khoản lớn. Nếu chúng ta không quyết liệt trong việc cải cách bộ máy hành chính, cải cách trong chi tiêu thì trong tương lai, khi chúng ta bán hết DNNN đi thì không có cách gì, không có nguồn thu nào để có thể nuôi bộ máy lớn như thế” - PGS.TS. Phạm Thế Anh