Đó là một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự mà Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến.
Thủ tục giải quyết bồi thường đã thuận lợi hơn
Thi hành án dân sự (THADS) là một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2009. Để hướng dẫn các quy định của Luật này, sau khi Luật có hiệu lực, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch (TTLT) số 24.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, sau khi TTLT số 24 được ban hành, việc thực hiện TNBTCNN trong hoạt động THADS đã có nhiều chuyển biến, cụ thể, việc xác định quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại được thực hiện dễ dàng hơn; bảo đảm đủ cơ sở pháp lý để cơ quan có trách nhiệm bồi thường xác định các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; TTLT số 24 đã hướng dẫn cụ thể hơn việc xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS; thủ tục giải quyết bồi thường cũng đã cụ thể hơn, giúp cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện giải quyết bồi thường thuận lợi...
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận thực tiễn thực hiện TNBTCNN trong hoạt động THADS vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những quy định của TTLT số 24 như một số quy định của Luật TNBTCNN về phạm vi TNBTCNN chưa được TTLT số 24 hướng dẫn cụ thể khiến cho cơ quan, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi TNBTCNN.
Về thời hiệu yêu cầu bồi thường, quy định tại Điều 5 Luật TNBTCNN chưa được hướng dẫn cụ thể về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường dẫn tới ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại...
Thiệt hại thực tế gồm cả chi phí thuê luật sư tư vấn
Đáng chú ý, về thiệt hại được bồi thường, trên thực tế, trong lĩnh vực THADS đã phát sinh một số loại thiệt hại mà Luật TNBTCNN chưa quy định rõ, đồng thời cũng chưa hướng dẫn cụ thể như chi phí mà người dân phải bỏ ra để khiếu nại, tố cáo để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc hiểu như thế nào là khoản lãi hợp pháp của khoản vay có lãi…
Dự thảo Thông tư khắc phục bằng quy định: Thiệt hại thực tế bao gồm cả chi phí thực tế người bị thiệt hại đã bỏ ra trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng như: chi phí thuê luật sư tư vấn, chi phí tàu xe, đi lại, ăn ở, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo, tham gia tố tụng.
Chi phí tàu xe, đi lại, ăn ở, in ấn tài liệu được thực hiện theo quy định của Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp người bị thiệt hại sử dụng dịch vụ có giá trị cao hơn mức quy định của Thông tư số 97 thì chỉ được bồi thường tương ứng với mức quy định tại Thông tư số 97.
Đặc biệt, vấn đề thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của cá nhân là vấn đề mà thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ, Dự thảo quy định: trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của người đó trước khi xảy ra thiệt hại để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có việc làm và hàng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động khác có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương cơ sở do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại đang nghỉ không hưởng lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật thì người bị thiệt hại không được bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.