Cần quyết liệt hơn trong triển khai Thông tư liên tịch số 23

(PLO) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu vừa dẫn đầu đoàn kiểm tra để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và việc thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp quản lý nhà nước tại một số địa phương.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu trong buổi kiểm tra tại Hà Nội
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu trong buổi kiểm tra tại Hà Nội
Qua kiểm tra cho thấy, tổ chức cán bộ của các cơ quan tư pháp đã được kiện toàn, củng cố, nhưng vẫn có những khó khăn, hạn chế đòi hỏi phải khắc phục để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. 
Bắc Giang: Kịp thời triển khai Thông tư liên tịch 23
Theo Báo cáo của Sở Tư pháp và các ý kiến trao đổi, thảo luận trong buổi kiểm tra tại Bắc Giang, về cơ bản việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và quy định pháp luật về tổ chức cán bộ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Kết quả công tác này được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái đánh giá cao. 
Ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của các công chức, viên chức của cơ quan tư pháp Bắc Giang, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận định, Bắc Giang là một trong những địa phương đầu tiên đã ban hành được quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp để triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 23. 
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, số lượng biên chế các cơ quan tư pháp còn hạn chế so với yêu cầu, khối lượng công việc được giao; số lượng cán bộ làm việc tại các cơ quan tư pháp cơ sở chưa có trình độ chuyên môn luật còn chiếm tỷ lệ khá cao; việc thành lập, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chưa bám sát quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu các cơ quan tư pháp Bắc Giang cần quán triệt triển khai quyết liệt việc thực hiện Thông tư liên tịch số 23, chú trọng đến việc kiện toàn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao năng lực cán bộ; bố trí đúng người, đúng việc trên cơ sở Đề án vị trí việc làm đã được xây dựng; đổi mới, tổ chức công việc khoa học, bài bản. 
Thứ trưởng cũng giao các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các cơ quan tư pháp Bắc Giang, nhất là các kiến nghị về chuyên môn, nghiệp vụ đã được địa phương đề cập.
Hà Nội: Được quan tâm song vẫn rất khó khăn
Quá trình triển khai các nhiệm vụ mới của ngành Tư pháp, UBND TP.Hà Nội, UBND các quận, huyện đã quan tâm và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức nhưng thực tế vẫn rất khó khăn là phản ánh của Tư pháp Thủ đô với đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu dẫn đầu. Đa số cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ mới hiện nay là kiêm nhiệm, chưa kể ngoài các công việc cụ thể được quy định tại Thông tư liên tịch số 23, cán bộ tư pháp còn phải làm nhiều việc khác. 
Theo Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội Phan Hồng Sơn, nhiệm vụ tăng nhưng biên chế vẫn giữ nguyên - chính là đang giảm biên chế. Khắc phục những khó khăn về nhân sự, Giám đốc Phan Hồng Sơn cho biết nhiều giải pháp đã được ngành Tư pháp Thủ đô triển khai thời gian qua, đặc biệt là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp các cấp. 
Ngoài ra, Hà Nội đang đề xuất thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu Tư pháp thuộc Sở. Hà Nội cũng đã đề xuất với Trung ương hướng dẫn sắp xếp lại tổ chức, bộ máy biên chế hiện có trong ngành, điều chuyển giữa công chức quản lý hành chính với viên chức khu vực sự nghiệp như công chứng viên, đấu giá viên, trợ giúp viên pháp lý…
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, nguồn nhân lực tư pháp của Thủ đô đông về số lượng, ổn về chất lượng, nếu chúng ta có cơ chế tuyển dụng, bố trí sử dụng hiệu quả thì sẽ hơn hẳn so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai các nhiệm vụ tư pháp của Hà Nội còn nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch còn mỏng, vẫn có gần 20% cán bộ tư pháp - hộ tịch chưa được đào tạo chuyên  môn luật. 
“Tư pháp Hà Nội có vị trí quan trọng với Thủ đô, với Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp. Khắc phục khó khăn về biên chế, trước mắt Hà Nội cần quyết liệt triển khai Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ sẵn có. Người ít việc nhiều nên việc phải làm thành thạo” - Thứ trưởng nhấn mạnh và hoan nghênh sáng kiến thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu Tư pháp thuộc Sở. 
Thứ trưởng cho biết thêm, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục kiểm tra thêm tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp tại một số địa phương để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, giải quyết.

Đọc thêm