Nhân cuộc họp này, Tổ công tác liên ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính được thành lập theo Quyết định số 1049/QĐ-BTP cũng tổ chức ra mắt lần đầu tiên.
Giải quyết cả vấn đề trước mắt và lâu dài
Phát biểu khai mạc cuộc họp, chúc mừng Tổ công tác liên ngành chính thức đi vào hoạt động, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) của quản lý thị trường.
Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ như phân định thẩm quyền xử phạt VPHC giữa lực lượng quản lý thị trường với các lực lượng chức năng khác trong các Nghị định quy định về xử phạt VPHC thuộc các lĩnh vực.
Đối với những vấn đề quy định của Luật Xử lý VPHC chưa rõ như thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện với hành vi vi phạm của tổ chức; vấn đề giao quyền cho cấp phó ban hành các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, các quyết định hành chính khác trong xử phạt VPHC thì Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích theo thẩm quyền.
Còn đối với những vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật Xử lý VPHC cần sửa đổi, bổ sung, cũng theo Thứ trưởng, Bộ Tư pháp được giao tổng hợp, đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định và đây là giải pháp lâu dài.
Sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Xử lý VPHC, lực lượng quản lý thị trường Bộ Công Thương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng một số điều, khoản của Luật có nội dung quy định chưa rõ ràng, áp dụng chưa thống nhất trong thực tiễn xử phạt VPHC.
Cụ thể, do Luật chưa quy định rõ về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC như thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức có hành vi VPHC nên hiện nay có 2 cách hiểu và áp dụng khác nhau trong việc xác định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện.
Một là, thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đối với cá nhân, tổ chức được xác định theo giá trị tang vật, phương tiện bằng với mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân.
Hai là, thẩm quyền tịch thu được xác định như thẩm quyền phạt tiền, cùng một hành vi vi phạm, giá trị tang vật, phương tiện vi phạm để xác định thẩm quyền tịch thu đối với tổ chức vi phạm gấp 2 lần đối với cá nhân.
Không những thế, ông Nguyễn Đăng Khoa (Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) còn phản ánh: Theo các Nghị định quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý thị trường được giao thẩm quyền xử phạt tại 25 nghị định.
Trong số này, có tới 15 nghị định chỉ quy định thẩm quyền xử phạt của quản lý thị trường một cách chung chung là “VPHC quy định tại Nghị định này thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý”. Quy định thẩm quyền xử phạt của quản lý thị trường không rõ ràng như vậy dẫn đến bất cập trong xác định trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thị trường của quản lý thị trường với các cơ quan, lực lượng khác.
Để tránh việc phát sinh các khiếu nại đối với các quyết định xử phạt VPHC, thời gian qua lực lượng quản lý thị trường chủ yếu xác định thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC theo cách hiểu và áp dụng thứ nhất. Song cách xác định này lại làm hạn chế thẩm quyền xử phạt của cấp dưới, gây tình trạng quá tải ở cấp trên và việc xử phạt không được kịp thời, nhanh chóng.
Bộ Công Thương đề nghị xử lý bất cập trên theo hướng cho phép tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đối với tổ chức VPHC theo mức phạt tiền gấp 2 lần đối với cá nhân. Còn liên quan đến nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt, Bộ Công Thương cho rằng: Tất cả các hành vi VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động thương mại và công nghiệp ở thị trường trong nước thì quản lý thị trường có thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản VPHC và xử phạt VPHC theo Điều 45 Luật Xử lý VPHC.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các thành viên Tổ công tác, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật hiện hành, lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, để giải quyết một cách tổng thể, vấn đề phải thực sự “tắc”, thực sự “nóng” thì mới nhận được ý kiến đồng thuận của Chính phủ nhằm xem xét, báo cáo lên Quốc hội, kịp thời có những phản ứng chính sách.