Bói toán qua mạng có bị xử lý?

(PLVN) - Thời gian qua, một số tài khoản facebook đã thực hiện xem bói miễn phí theo kiểu phát trực tiếp (livestream) và thu hút được nhiều người theo dõi. Nhiều người chỉ xem cho vui nhưng cũng có không ít người đã bị chi phối, dẫn dụ theo lời của “thầy bói mạng” để rồi bị lợi dụng, tốn kém tiền bạc hoặc để lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, gửi câu hỏi đến Báo PLVN, bạn đọc Vũ Ngọc Nga (Tiên Lữ, Hưng Yên) hỏi: Đối tượng lợi dụng lòng tin của một số người vào những trò mê tín bói toán online trên mạng xã hội để trục lợi bất chính thì bị xử lý như thế nào?

Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Công ty Luật TGS - Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc xem bói hay đi lễ đầu năm được xem như văn hóa tâm linh của người Việt Nam ta từ xưa đến nay. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có hiểu biết đúng đắn về vấn đề tâm linh, lễ bái. Từ đó, một số người đã lợi dụng niềm tin của người dân mà trục lợi, kiếm tiền bất chính.

Hiện nay, đã xuất hiện tình trạng xem bói online qua các hình thức như:  Xem bói bài tây, xem chỉ tay, xem tướng số, xem vận hạn dựa vào ngày tháng năm sinh… Tuy ban đầu chỉ là xem bói miễn phí nhưng sau đó, nhiều “thầy bói mạng“ đã dẫn dụ, đề xuất người xem mua các hiện vật (vòng trang sức, búp bê, đá phong thủy…) để tăng vận may. Thậm chí, có người còn tin lời chi một khoản tiền lớn để thực hiện cắt duyên, giải hạn, giải vong...

Người mua đồ vật hoặc chi tiền làm lễ không biết có được may mắn hơn không nhưng rõ ràng là họ đã hao tổn tiền bạc, thời gian. 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng
Luật sư Nguyễn Đức Hùng 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho rằng, đối với hành vi xem bói online, tùy mức độ, tính chất, hậu quả từng hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) thì cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Ngoài việc bị xử phạt, người vi phạm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trong trường hợp việc bói toán gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc người đã từng bị xử phạt hành chính nhưng vẫn vi phạm tiếp thì có thể bị xử lý hình sự như sau:

“Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Làm chết người; b) Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng”.

Như vậy với chế tài hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm. 

Đọc thêm