Bolero, những vàng son kí ức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chúng ta vẫn nghe dòng nhạc này từ mọi ngôi nhà, ngõ xóm, nhưng ít người biết nó xuất phát từ những giai điệu rộn ràng xứ Âu Mỹ. Bởi khi du nhập vào Việt Nam, bolero mang một màu sắc rất riêng, rất khác. Đó là dòng nhạc đi cùng với lịch sử, với văn hóa người Việt từ cận đại cho đến hiện đại, thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của Nhân dân.
Một chương trình bolero trên truyền hình. (Ảnh: NL Duy)
Một chương trình bolero trên truyền hình. (Ảnh: NL Duy)

Từ âm nhạc Âu Mỹ tới những giai điệu buồn Việt Nam

Có nhiều luồng ý kiến hơi khác nhau về nguồn gốc của dòng nhạc bolero. Trước kia, nhiều người cho rằng, bolero có xuất phát từ Tây Ban Nha, bởi bolero là tên một vũ điệu truyền thống thịnh hành tại vương triều Tây Ban Nha, khai sinh vào cuối thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sau này đã cho thấy rằng, bolero xuất hiện từ Cuba vào cuối thế kỷ XIX có cùng một cội nguồn với điệu nhạc trova, một thể loại ‘‘du ca’’ của Tây Ban Nha. “Cha đẻ” của dòng nhạc bolero Cubano là nhạc sĩ đàn ghi ta José Sánchez (1856 - 1918), mà nhiều người gọi một cách thân mật là Pepe Sánchez. Nhà nghiên cứu Luis Antonio trong quyển sách nói về lịch sử của dòng nhạc bolero tại Cuba (Historia del bolero cubano), bản nhạc bolero đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1883 do chính José Pepe Sánchez sáng tác mang tựa đề “Me Entristeces, Mujer’’ mà sau này người ta thường hay gọi một cách ngắn gọn là “Tristezas’’(Những nỗi buồn). Bài hát nhanh chóng tạo tiếng vang cực lớn với công chúng. Đến đầu thế kỷ 20, dòng nhạc nhanh chóng bén rễ tại các quốc gia Nam Mỹ và ở vùng biển Caribê, sau đó du nhập vào Mexico và bùng nổ với bài hát “Bésame Mucho” của nghệ sĩ Mexico Consuelo Velázquez. Từ đó, bolero trở thành một dòng nhạc thịnh hành ở Mexico và lan ra toàn thế giới.

Tại Việt Nam, từ những năm 1950, nhạc bolero bắt đầu phổ biến ở miền Nam và trở thành một thể loại âm nhạc đại chúng. Vì giai điệu bolero được sử dụng nhiều trong các ca khúc nhạc vàng nên ở miền Nam nhiều người vẫn lầm tưởng nhạc bolero là nhạc vàng và người ta thường dùng hai thuật ngữ này thay thế cho nhau. Tuy nhiên, bolero chỉ có thể được gọi là bolero, dòng nhạc xuất phát từ châu Mỹ nhưng mang một âm hưởng, tinh thần khác biệt so với các quốc gia khác.

Bolero tại Việt Nam có tiết tấu chậm rãi hơn, bắt nguồn từ nhiều nguyên do, trong đó không ít ý kiến cho rằng đó là do ảnh hưởng của văn hóa đờn ca tài tử. Hầu hết các bài hát theo điệu bolero đều mang đậm chất dân ca, mà chủ yếu là dân ca Nam Bộ và có chút bi lụy chứ không có giai điệu rộn ràng như bản gốc.

Theo lý giải của nhạc sĩ Hàn Châu trên truyền thông, đặc trưng của âm nhạc Việt Nam là ngũ cung. Tại miền Nam thời đó thịnh hành vọng cổ, cải lương, nên khi du nhập vào, bolero cũng chịu ảnh hưởng nhất định, tạo nên độ chậm đặc trưng. Sự xuất hiện của bolero cũng góp phần tạo ra những bản tân cổ giao duyên sau này, kết hợp âm nhạc trước và vọng cổ ở sau.

Theo các nhà nghiên cứu, về mặt nhạc lý, bolero Việt Nam thường được viết ở nhịp 4/4 hoặc 2/4. Nhịp điệu của bolero khá chậm rãi và đều đặn, tạo cảm giác thư thái, dễ nghe, giai điệu dễ nhớ, đơn giản nhưng sâu lắng. Các câu giai điệu thường được lặp lại với một số biến đổi nhỏ để tạo cảm giác quen thuộc và gần gũi cho người nghe. Cấu trúc của một bài hát bolero thường rất rõ ràng và dễ nhận biết. Hòa âm của bolero cũng thường không phức tạp nhưng vẫn đủ để tạo nên sự phong phú và đa dạng cho bản nhạc.

Lời ca của âm nhạc bolero tại Việt Nam thường mang tính chất trữ tình, lãng mạn, mang theo nỗi buồn man mác. Những chủ đề phổ biến trong bolero bao gồm tình yêu, nỗi nhớ, sự chia ly, những kỷ niệm, thân phận con người, nỗi buồn chiến tranh... Ngôn ngữ trong lời ca thường rất giản dị, dễ hiểu, nhưng lại chứa đựng nhiều cảm xúc sâu lắng, dễ dàng chạm đến trái tim người nghe.

Nữ ca sĩ Thanh Thúy, thế hệ nghệ sĩ bolero đầu tiên của miền Nam Việt Nam và một album nhạc bolero của bà. (Ảnh: NX)

Nữ ca sĩ Thanh Thúy, thế hệ nghệ sĩ bolero đầu tiên của miền Nam Việt Nam và một album nhạc bolero của bà. (Ảnh: NX)

Phong cách trình diễn của bolero thường rất tình cảm, chậm rãi và đi sâu vào cảm xúc. Ca sĩ bolero thường chú trọng đến cách phát âm rõ ràng, nhấn nhá từng chữ, từng câu để truyền tải trọn vẹn cảm xúc của bài hát. Phong cách biểu diễn thường nhẹ nhàng, không quá cầu kỳ, nhưng lại rất sâu sắc và lôi cuốn.

Một khác biệt nữa là khi vào đến Việt Nam, bolero đã trở thành một dòng nhạc đại chúng, phổ biến. Đến mức người ta nghe bolero hàng ngày, ở khắp nơi, từ quán cà phê hè phố, hàng ăn cho đến phòng trà. Những giai điệu buồn buồn, dễ nhớ, dễ thuộc của các bài hát bolero cũng vang lên trên môi người bình dân cho đến người giàu có.

Dòng chảy còn mãi

Từ khi du nhập vào Việt Nam, bolero đã phát triển mạnh mẽ, gần như trở thành một thể loại âm nhạc bản địa. Từ đó đến nay, dòng nhạc này cũng đã trải qua nhiều bước thăng trầm.

Giai đoạn đỉnh cao sáng tác bolero chính là thập niên 60. Thời kì này, các bài hát bolero ra đời liên tục và được đông đảo khán giả yêu thích, trong đó đa phần những bài hát này còn được yêu thích đến tận ngày nay. Thời kì này sản sinh ra nhiều nhạc sĩ nổi danh với những bài bolero ngọt ngào, làm say đắm lòng người. Có thể kể đến các nhạc sĩ Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Duy Khánh, Minh Kỳ, Anh Bằng, Anh Việt Thu, Dzũng Chinh, Lê Dinh, Hoài An, Y Vân, Lê Trực, Tuấn Khanh, Phạm Thế Mỹ, Phạm Mạnh Cương,...

Cùng với đó, một thế hệ ca sĩ xuất hiện, nổi danh từ dòng nhạc bolero và được khán giả đặc biệt hâm mộ. Có thể kể đến 5 cái tên “sáng giá” của âm nhạc bolero miền Nam thời kì “khai mở” là Duy Khánh, Nhật Trường, Hoàng Oanh, Phương Dung, Thanh Thúy. Đây là những giọng ca được đánh giá là hát bolero rất “ngọt”, rất mùi nhưng vẫn giữ được sự sang trọng, đẳng cấp.

Nửa sau của thập niên 60, những tên tuổi nghệ sĩ mới xuất hiện với giọng hát ngọt ngào, sâu lắng càng khiến bolero đi sâu vào lòng công chúng: Chế Linh, Thanh Tuyền, Giao Linh, Tuấn Vũ, Hương Lan, Trang Mỹ Dung, Giang Tử… Tất cả những cái tên nghệ sĩ một thời, đến nay vẫn còn là “tượng đài” về âm nhạc bolero trong lòng người mộ điệu Việt Nam.

”Nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên nổi tiếng trong dòng nhạc bolero. (ảnh: FBNV)

”Nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên nổi tiếng trong dòng nhạc bolero. (ảnh: FBNV)

Bolero không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn lan rộng ra cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Các trung tâm ca nhạc hải ngoại như Thúy Nga Paris By Night, Vân Sơn đã giới thiệu nhiều ca khúc bolero kinh điển và những giọng ca mới, khiến bolero được đón nhận không chỉ ở cộng đồng người Việt mà cả khán giả nước ngoài.

Những năm của thập niên 2000, bolero dường bị “lãng quên” tại Việt Nam, thay vào đó là thời điểm bùng nổ của âm nhạc trẻ trung, sôi nổi, những “top” Làn sóng xanh. Tưởng chừng dòng âm nhạc của quá khứ đã thoái trào, rồi sẽ lùi dần vào dĩ vãng. Tuy nhiên, những năm gần đây, bolero đã có sự hồi sinh mạnh mẽ với nhiều chương trình âm nhạc chuyên về bolero, nhiều tài năng mới của dòng nhạc này xuất hiện, các liveshow cũng được tổ chức thường xuyên với sự ủng hộ nhiệt liệt của khán giả. Bolero lại một lần nữa trở lại với đời sống bình dân Việt Nam.

Đạo diễn Vũ Thành Vinh - người tổ chức nhiều cuộc thi bolero - phân tích trên truyền thông: “Theo tôi, bolero gần gũi với đại đa số công chúng nhờ ca từ đơn giản, tự sự nhân tình thế thái với nỗi buồn man mác, thế nên giữa đời sống quá ồn ào, nghe một bài bolero dù buồn nhưng nỗi buồn như được chia sẻ. Nhờ đó mà bolero sống trở lại”.

Tại Việt Nam, vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh bolero. Đây là dòng nhạc được số đông người dân yêu thích. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, bolero là dòng nhạc “sến”, quá bi lụy, bình dân... Tuy nhiên, không thể phủ nhận được giá trị của bolero trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Có thể nói, nhạc bolero là ví dụ tiêu biểu về “Việt hóa” rất tự nhiên và mềm mại một giá trị văn hóa ngoại nhập. Nhạc bolero đã mang lại nhiều giá trị quan trọng trong âm nhạc và văn hóa Việt Nam. Bolero không chỉ là một dòng nhạc, mà còn là một phần không thể thiếu của di sản văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú và đa dạng thêm bức tranh âm nhạc và cuộc sống của người Việt...

Năm 2023, UNESCO chính thức công nhận bolero là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây chính là sự tôn vinh cho những giá trị tuyệt vời mà bolero mang đến cho đời sống con người.