Khoản tín dụng 300 tỷ đồng mà BIDV cam kết “bơm” cho dự án Usilk City có phải là “liều thuốc” hiệu nghiệm chữa trị “cục máu đông” tại dự án tai tiếng này?.
Một góc của Dự án Usilk City |
Khách hàng lo ngại
Có tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, dự án Usilk City của Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long (STL) một thời “làm mưa làm gió” trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, số phận của Usilk City sau đó cũng trầm lắng theo sự nguội lạnh của thị trường. Từ khuyến mại khủng, ưu đãi cao, đến nay cảnh “tranh mua, tranh bán” cũng tắt lịm. Kéo theo đó, nhiều khách hàng “lên cơn sốt” vì tiến độ chậm chạp, thậm chí đòi đối chất với chủ đầu tư để tìm quyền lợi.
Khi những dấu hiệu về sự “yếu đuối” của tình hình tài chính bố trí cho dự án có vẻ bế tắc, thì thông báo khoản tín dụng 300 tỷ đồng của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) “bơm” vào Usilk City được xem là “cơn gió mát”, “xua dịu” sự “nóng bỏng” từ khách hàng.
Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại, liệu số lượng tài chính nói trên có phải là giải pháp tâm lý, trấn an trong bối cảnh giữa chủ đầu tư và khách hàng đang có nhiều xung đột?. 300 tỷ đồng sẽ được giải ngân thế nào và có giải quyết được “cục máu đông” Usilk City?.
Là người mua căn hộ từ “gói ưu đãi” tại Usilk City, nhưng khách hàng Lê Thu Hà tỏ ra hoài nghi về sự “đúng địa chỉ” của đồng vốn khi đón nhận thông tin từ nguồn tiền của nhà băng “bơm” vào dự án. Trong bối cảnh tài chính không mấy sáng sủa, theo bà Hà, số tiền 300 tỷ này có được STL sử dụng đúng mục đích là “chi tiêu” cho các hạng mục của dự án Usilk City, hay khi có tiền thì chủ đầu tư lại dùng vào việc khác?.
Trấn an khách hàng, Tổng Giám đốc STL Trần Việt Sơn, khẳng định, ban lãnh đạo STL đã “tính toán kỹ” trước khi làm việc với ngân hàng đề xuất ra gói tín dụng này. Theo ông Sơn, “300 tỷ đồng này là để tiếp tục hoàn thiện tòa nhà 101, 102 và 103 cụm CT1” và “sẽ không như cách thức đầu tư của 2 năm trước là sẽ bung ra làm tất cả các hạng mục mà sẽ làm tập trung vào 3 tòa phân ra các điểm với sự trễ của mỗi tòa là hơn 3 tháng, làm cuốn chiếu từng tòa một và sẽ ưu tiên cho tòa có tiến độ bàn giao sớm nhất”.
Để đảm bảo dòng tiền doanh thu còn lại tại dự án thực hiện đủ nghĩa vụ chi trả cho ngân hàng và đủ triển khai thành công dự án, theo ông Sơn, hiện nay, gần 600 hợp đồng mua bán giữa STL và khách hàng đều được bên cho vay là ngân hàng xem xét chi tiết và thẩm định ở góc độ quản trị.
“Cú hích” mạo hiểm?
Người đứng đầu STL cũng thừa nhận, BĐS vẫn là nhóm hạn chế cho vay nên việc thẩm định được ngân hàng tiến hành rất kỹ nên STL đã “nhiều lần giải trình, báo cáo chứng minh những cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp cũng như thăm dò thị trường tìm hiểu khách hàng thì ngân hàng mới quyết định cho doanh nghiệp vay”.
Trong khi đó, với bối cảnh thị trường BĐS đóng băng, việc cam kết cho vay 300 tỷ của BIDV được đánh giá là một “cú hích” khá mạo hiểm, có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà nói rằng, để tháo gỡ dần những nút thắt của thị trường BĐS hiện nay, BIDV là doanh nghiệp đầu tiên đề xuất đưa ra khởi động chương trình cho vay 4 nhà, gồm nhà đầu tư, nhà băng, nhà thầu và khách hàng.
Ông Hà cho biết, hợp đồng tín dụng mà STL đã ký kết với BIDV cũng là một trong những hình thức như vậy.
Ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - nhận định, “đây là một trong những giải pháp tốt”, khi bình luận về bước đi “tiên phong” của BIDV trong thương vụ 300 tỷ của tổ chức tín dụng này với STL. “Đối với những dự án thương mại đã gần hoàn công, đã huy động vốn của người dân nhưng chưa thể hoàn thiện do thiếu vốn thì chúng ta cũng cần đẩy mạnh hỗ trợ hoàn thiện các dự án ở những phần nhất định”, ông Nam nhìn nhận.
Tuy khó có hy vọng để "hâm nóng" thị trường một cách nhanh chóng, tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam kỳ vọng, thương vụ giữa BIDV với STL “có thể nhân rộng ra với các ngân hàng, các doanh nghiệp khác”. Theo ông Nam, từ những phân khúc nhất định sẽ lan dần ra, cộng với với những giải pháp có tích chất toàn bộ, lâu dài khác thì thị trường BĐS sẽ được vực dậy.
Việt Hưng