“Bóp méo” Luật, “sáng tác” điều lệ công ty

Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng (Haiphong Shipchanco) liên tiếp nhóm họp nhưng đều  bất thành vì mâu thuẫn lợi ích của một số cổ đông. Vụ việc càng trở nên phức tạp khi một số cơ quan truyền thông phản ánh thiếu khách quan…

Trong các ngày đầu tháng 7, đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Hải Phòng (Haiphong Shipchanco) liên tiếp nhóm họp nhưng đều  bất thành vì mâu thuẫn lợi ích của một số cổ đông. Vụ việc càng trở nên phức tạp khi một số cơ quan truyền thông phản ánh thiếu khách quan, kích động thêm mâu thuẫn…


Thông tin một chiều

Theo kế hoạch, ngày 4/7, HaiPhong Shipchanco có trụ sở tại 83 Trần Phú (số cũ 30 Trần Phú), quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng sẽ tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2011 để báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh  năm 2010 và phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2011.

“Bóp méo” Luật, “sáng tác” điều lệ công ty ảnh 1

Tuy nhiên, ngay trước ngày diễn ra phiên họp đại hội cổ đông, trên một số phương tiện truyền thông đã có các bài viết “cáo buộc” nhóm cổ đông chiến lược - nắm giữ 23,38 % cổ phần (tập đoàn DaSo, do bà Đặng Thị Hồng Hải làm người đại diện) và nhóm cổ đông sở hữu nhà nước - nắm giữ 78,77% cổ phần đã có những quyết định gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của nhóm cổ đông thiểu số - nắm giữ 21,23% cổ phần.

Mâu thuẫn giữa nhóm cổ đông nắm cổ phần chi phối với nhóm cổ đông thiểu số được “bơm thổi” thêm bằng những thông tin một chiều đã trở nên bùng phát, khiến phiên họp đại hội đồng cổ đông ngày 4/7 của HaiPhong Shipchanco bị đổ vỡ.

Ngày 7/7, đại hội đồng cổ đông được nhóm họp lại nhưng vẫn bất thành.

“Gây rối” đại hội cổ đông

Trên thực tế, hai lần tổ chức đại hội cổ đông bị đổ vỡ, HĐQT đều lập biên bản, có sự chứng kiến của cơ quan công an các cấp. Trong báo cáo gửi tới UBND TP.Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng nghiệp vụ 1- Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính Hải Phòng, người đại diện phần vốn nhà nước tại Haiphong Shipchanco “tường trình”: Các cổ đông tự do đi lại, lấy micro phát biểu mạt sát bà Đặng Hồng Hải (đại diện cho tập đoàn Daso - Chủ tịch HĐQT Haiphong Shipchanco, chủ tọa đại hội – PV). Số cổ đông này chỉ chiếm cổ phần thiểu số nhưng là số đông cổ đông trong đại hội đã không tuân thủ sự điều hành của chủ tọa, có hành vi cản trở, gây rối trật tự… 

Cũng theo báo cáo của ông Trưởng phòng nghiệp vụ 1- Chi cục Tài chính doanh nghiệp: “tại lần tổ chức thứ 2 ngày 7/7,  mặc dù có sự hiện diện lực lượng công an, bảo vệ chuyên nghiệp, Ban tổ chức vẫn không kiểm tra được tư cách cổ đông theo quy định. Do công tác an ninh không đảm bảo, một số cổ đông có hành vi can trở, gây rối trật tự công cộng nên cuộc họp phải tạm dừng theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.
 
“Bóp méo” Luật

Ngay sau khi đại hội cổ đông HaiPhong Shipchanco đổ vỡ, một số cơ quan truyền thông đã dẫn lời bình của “chuyên gia” về luật, cho rằng: việc bầu HĐQT và BKS chỉ cần tuân theo Điểm c, Khoản 3, Điều 104 Luật Doanh nghiệp là đủ, điều này đã được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 3, Điều 29, Nghị định 102/2010. Theo đó, để trở thành thành viên HĐQT, BKS, các đối tượng này “không cần” phải có được ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội ủng hộ.

Thậm chí, Điều lệ công ty của HaiPhong Shipchanco cũng bị “sáng tác” cho phù hợp với lợi ích của một số cổ đông nhỏ. Cụ thể, một số trích dẫn cho rằng, Điều 16, Điều lệ Shipchanco quy định, “trong một số trường hợp, nghị quyết của đại hội cổ đông được thông qua chỉ với điều kiện có 65% - 75% số phiếu biểu quyết của các cổ đông trực tiếp tham dự đồng ý”. Trên thực tế, Điều 16 Điều lệ công ty của Haiphong Shipchanco không hề có một dòng nào như vậy.

Trở lại Khoản 3, Điều 104 Luật Doanh nghiệp,  xin trích nguyên văn: “Quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp khi có đủ các điều kiện sau đây: a, Được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định; c) Việc biểu quyết bầu thành viên HĐQT và BKS phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với n số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của HĐQT hoặc BKS và cổ đông có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên.

Như vậy đã rõ: muốn trở thành thành viên HĐQT, BKS, các ứng cử viên phải thỏa mãn cả hai điều kiện về số phiếu đạt được (nội dung) và được các cổ đông nhỏ dồn phiếu trong trường hợp không phải là đại diện cho 10% cổ phiếu như Luật định (về mặt hình thức). Chuyên gia về luật nhưng chỉ “trích” một nửa quy định khiến những ai am hiểu về pháp luật phải nghi ngờ động cơ của người đưa ra lời “tham vấn”.

Những ngộ nhận về mặt luật pháp không hiểu do vô tình hay cố ý liên tiếp được “tung” ra, chỉ biết rằng, nó cũng đã tạo ra “hiệu ứng” nhất định: nhóm cổ đông nắm giữ 21,23% đã tiến hành bầu HĐQT, BKS. Thậm chí, có vị "hồn nhiên" đến trụ sở của Haiphong Shipchanco, đưa ra tờ báo đã đăng, lấy đó làm căn cứ cho việc yêu cầu HĐQT phải công nhận “HĐQT tự phong”.

Trước tình hình rối ren trên, theo lãnh đạo Chi cục tài chính doanh nghiệp Hải Phòng, nếu các cổ đông không hiệp thương được, việc tranh chấp cổ đông, quyền điều hành doanh nghiệp phải đợi phán quyết của tòa án. Theo vị này, việc một số cơ quan truyền thông chỉ đưa tin một chiều đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh.

Thiên Bình

Đọc thêm