Botox xách tay dễ gây tác dụng phụ khó lường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Thuốc Botox 'đi' theo đường xách tay thì có thể gây biến tính thuốc, không đảm bảo tác dụng và dễ gây tác dụng phụ”, BSCKII Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay.
Filler, Botox được quảng cáo là hàng xách tay, nhưng tất cả không có hoá đơn chứng từ, tem nhãn phụ.
Filler, Botox được quảng cáo là hàng xách tay, nhưng tất cả không có hoá đơn chứng từ, tem nhãn phụ.

* Filler, botox không hoá đơn, tem mác bán 'tràn lan' trên Shopee, Lazada và các mạng xã hội

* Kinh doanh các sản phẩm vi phạm, sàn TMĐT Shopee liên tục bị Cục Quản lý Dược 'điểm danh'

* Vụ Shopee kinh doanh hàng vi phạm: Sàn thương mại điện tử chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật

Botox nếu bị làm giả dễ gây dị ứng, phản vệ

Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, người tiêu dùng có thể mua được các chất làm đầy (Filler), làm thon gọn mặt (Botolium Toxin – Botox) như “mua mớ rau ngoài chợ”. Không chỉ vậy, những sản phẩm này hoàn toàn không có tem mác, cũng không có hóa đơn chứng từ. Thậm chí các "tổng kho" còn được người bán khẳng định đấy là hàng xách tay và có thể bảo quản ở nhiệt độ thường. Các chuyên gia nhận định, việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể có nguy cơ gây nhiều tác dụng phụ và biến chứng, ảnh hưởng đến tính mạng của người dùng.

Theo BSCKII Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Botox là một trong những phương pháp thẩm mỹ nội khoa được quan tâm nhiều nhất trong thời qua. Phương pháp có thể giúp người sử dụng khắc phục một vài nhược điểm trên gương mặt. Một trong số ứng dụng phổ biến của botox chính là làm thon gọn gương mặt, chỉnh hình gọn hàm.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại thuốc để sử dụng trong liệu pháp tiêm Botox. Tại Việt Nam đang có 2 nhóm thuốc chính, nhóm đầu tiên là các loại thuốc đã được cấp phép theo Bộ Y tế. Nhóm thứ hai mà mọi người hay gọi là hàng "xách tay", không rõ nguồn gốc trên thị trường. Nhóm này không đáp ứng đầy đủ về tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng.

BSCKII Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương (bên phải) đang tư vấn cho bệnh nhân.

BSCKII Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương (bên phải) đang tư vấn cho bệnh nhân.

Không ít chuyên gia và bác sĩ đã cảnh báo về các sản phẩm mỹ phẩm, làm đẹp giả có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân.

Các nguyên tố này gây biến đổi các tế bào dẫn đến u bướu hay ung thư, gây ra những căn bệnh về nội tiết tố gan, các bệnh về tim mạch, các bệnh về thần kinh và não.

Ngoài ra khi sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng da có thể sưng tấy và lở loét gây đau đớn: Da khô rát và bong tróc vẩy, những mảng da bị lột rất dày gây đau nhức và rát toàn thân.

“Botox xách tay cần cẩn trọng trong sử dụng. Bởi không giống như Filler (chất làm đầy), Botolium Toxin đa số (95-97%) một loại protein có chiết xuất từ ngoại độc tố do vi khuẩn có tên Clostridium botulinum sản sinh, đòi hỏi nhiệt độ bảo quản rất ổn định. Tối thiểu là bảo quản đông lạnh hoặc bảo quản ở nhiệt độ từ 0-4 độ C. Nếu thuốc “đi” theo đường xách tay thông thường thì có nguy cơ gây biến tính thuốc, không đảm bảo tác dụng và dễ gây tác dụng phụ”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Đặc biệt, bác sĩ Minh cảnh báo, Botolium Toxin là một dạng độc tố của vi khuẩn vì vậy cần hết sức lưu ý trong vấn đề liều lượng. Nếu sử dụng liều lượng thấp quá thì không có tác dụng. Nếu sử dụng liều lượng cao quá, có thể bị tiêm quá liều và ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng.

Ngoài ra, các sản phẩm ở dạng protein này khi tiêm vào cơ thể nếu đã bị biến chất thì nguy cơ dị ứng và phản vệ. Chính vì lẽ này nên liều lượng tiêm botox gọn hàm cần được điều chỉnh một cách hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng sau tiêm.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, "mặc dù bản thân Botox đa số là lành tính, tuy nhiên khi bị làm giả, làm nhái sẽ trở thành kháng nguyên lạ dẫn đến các biến chứng cấp tính như dị ứng, phản vệ. Vì vậy khi sử dụng cần nắm rất rõ nguồn gốc của sản phẩm, cần biết rõ sản phẩm có Bộ Y tế cấp phép hay không".

Sản phẩm không có tem nhãn phụ, không có hóa đơn chứng từ được coi là hàng nhập lậu

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, theo Khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ- CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì Hàng hóa nhập lậu gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật; Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội). Ảnh do nhân vật cung cấp

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám Đốc, Công Ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội). Ảnh do nhân vật cung cấp

“Như vậy, các hàng hóa sản phẩm không có tem nhãn phụ, không có hóa đơn chứng từ thì được coi là hàng hóa nhập lậu”, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị áp dụng hình phạt tiền tùy từng mức độ, có thể lên đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, nếu người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hoặc hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, thì có thể bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tối đa có thể lên đến 200.000.000 đồng.

Đọc thêm