BQL các KCN Thái Nguyên: Hiệu quả từ việc tuân thủ và vận dụng linh hoạt pháp luật

(PLO) - Trong một thời gian ngắn, Thái Nguyên đã vươn mình mạnh mẽ và ghi tên vào top đầu những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm của Chính phủ, lãnh đạo địa phương còn phải kể đến sự nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý (BQL) các khu Công nghiệp (KCN) Thái Nguyên với phương châm “Chơi với nước ngoài, mình phải hiểu và làm đúng pháp luật”.
Lễ ký thoả thuận đầu tư với các nhà đầu tư Singapore

Hiệu quả nhờ vận dụng linh hoạt pháp luật

Trước đây, Thái Nguyên được biết đến chủ yếu từ việc trồng và chế biến chè, cụm từ “khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài” nghe còn xa lạ với người dân. Nhiều cuộc họp bàn, nhiều chuyến đi tham quan học tập kinh nghiệm được tổ chức. Nhận thấy với vị trí thuận lợi trong kết nối vùng và vận chuyển hàng hóa, công tác thu hút đầu tư được tỉnh Thái Nguyên bắt đầu bằng những khu công nghiệp. Theo đó, bám quy hoạch, Thái Nguyên thành lập 6 KCN với quy mô 1.420 ha và năm 2011, BQL các KCN Thái Nguyên được UBND tỉnh giao làm Chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy (phần diện tích 180ha, nay là Khu A), với tổng mức đầu tư 1.417 tỷ đồng và các dự án phụ trợ khác… 

Dự án lớn với hơn 1.400 tỷ đồng nhưng nguồn kinh phí để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), xây dựng kết cấu hạ tầng KCN chỉ vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng quả là một thách thức, khó khăn vô cùng lớn. Nhìn vào tình hình lúc đó, nếu mở ra các KCN nhưng không biết cách làm, không tâm huyết thực hiện thì chỉ sau một thời gian cũng bỏ không hoặc đóng cửa như ở một số địa phương khác.

Trước hoàn cảnh đó, sau khi phân tích, đánh giá những yếu tố thuận lợi, khó khăn, năm 2013 BQL đề xuất và được Tỉnh ủy, HĐND và UBND đồng ý cho thực hiện cơ chế “Vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm”. Cụ thể, các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng 50 năm nộp một lần để thực hiện BTGPMB và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ (thay vì theo quy định của pháp luật nhà đầu tư có quyền được trả tiền thuê đất hàng năm). 

Chủ trương thông qua, nhưng việc đàm phán, thuyết phục các nhà đầu tư này cũng không hề dễ dàng. Bởi xung quanh Thái Nguyên, các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận và vào các KCN của Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng hay Vĩnh Phúc với cơ sở hạ tầng đầy đủ.

Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng trong công việc, linh hoạt trong đàm phán của lãnh đạo, cán bộ BQL nên tại KCN Điềm Thụy – A đã huy động được nguồn ứng trước tiền thuê đất của nhà đầu tư trên 1.500 tỷ đồng để BTGPMB cho 180 ha đất công nghiệp, 13 ha đất khu tái định cư và xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại KCN và 02 khu tái định cư như hệ thống đường giao thông, đường gom, hệ thống cấp nước sạch, thoát nước thải, nhà máy xử lý nước thải, hệ thống cấp điện sản xuất, sinh hoạt và chiếu sáng, công viên cây xanh… đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và bà con nhân dân trong vùng dự án. 

Chia sẻ với chúng tôi, Trưởng BQL các KCN Thái Nguyên, ông Phan Mạnh Cường cho hay: Xây dựng được KCN cũng chưa phải đã xong, bởi nếu KCN hoành tráng nhưng có ít doanh nghiệp tìm đến thì bằng hòa. Bởi vậy, cả hệ thống chính trị của Thái Nguyên mà tiên phong là các đồng chí Lãnh đạo tỉnh, kết hợp với sự chủ động của lãnh đạo, cán bộ BQL, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương có KCN, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư. Nhờ vậy, tại KCN này đã thu hút được 77 dự án, trong đó có 62 dự án FDI và 15 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 1 tỷ USD và gần 3.000 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu của các dự án trong KCN Điềm Thụy đạt 932,09 triệu USD, nộp ngân sách đạt 485,34 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho gần 16.000 lao động với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. 

Từ thành công tại KCN Điềm Thụy A, cơ chế “Vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm” tiếp tục được BQL tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương giao cho Ban làm Chủ đầu tư thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II - diện tích 250 ha tại xã Tân Quang, thành phố Sông Công. Ngày 23/3/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II tại Quyết định số 353/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ nguồn vốn thực hiện là nguồn ngân sách địa phương và nguồn vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng.

Hiện Ban đã và đang phối hợp với thành phố Sông Công và các ngành triển khai Quyết định của Thủ tướng và Quyết định của tỉnh với kết quả ban đầu đã BTGPMB được 50ha đất công nghiệp, 12ha đường kết nối KCN với cao tốc, 10ha đất tái định cư và đã đàm phán được một số nhà đầu tư để lấp đầy 50ha đất công nghiệp đầu tiên. 

Muốn thành công, phải bám pháp luật

Chia sẻ về những thành công mà BQL các KCN Thái Nguyên đạt được, ông Phan Mạnh Cường nêu ngắn gọn “Phải hiểu, làm đúng và đặc biệt vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật”; rồi ông giải thích: “Muốn có mặt bằng để làm KCN thì trước hết phải thu hồi đất của dân - một trong những vấn đề nhạy cảm bậc nhất hiện nay. Chúng tôi cũng từng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu này. Nhưng đồng thời với việc kết hợp với các ban, ngành, địa phương vận động người dân thì cách làm tối ưu là cứ nhất nhất tuân theo pháp luật mà làm; mình hiểu chia sẻ với bà con nhưng cũng phải cứng rắn trong áp dụng luật thì mới đem lại hiệu quả và đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh”.

Khi có cơ sở hạ tầng rồi, việc đi kêu gọi đầu tư mình cũng phải nắm chắc các quy định của pháp luật, các ưu đãi của Nhà nước, của địa phương và lúc này pháp luật cũng phải được linh hoạt vận dụng. “Đi mời người ta thì phải tạo niềm tin với họ bằng các quy định của pháp luật. Nhiều khi phải vừa mời vừa mở luật ra cho họ xem”, ông Cường nói. Khi họ đã hiểu và chấp nhận đầu tư, mình mới chỉ thành công một nửa vì họ vào rồi, có ở lâu với mình và hoạt động hiệu quả hay không mới là cái khó hơn. 

Bởi vậy, công tác quản lý nhà nước sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư cũng được Ban quan tâm, bám sát thực tiễn, chủ động hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như: pháp luật đầu tư xây dựng, lao động, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là pháp luật bảo vệ môi trường... góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trực tiếp đối với KCN trên địa bàn.

Đặc biệt, việc tuân thủ pháp luật còn tạo sự đồng thuận, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, công chức từ quản lý hành chính sang hành chính phục vụ, lấy doanh nghiệp, nhà đầu tư làm trung tâm, mục tiêu phục vụ của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước gắn với đề cao trách nhiệm hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp KCN. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với KCN, tạo điều kiện cho Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế “một cửa, tại chỗ” tại Ban nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu của doanh nghiệp và tiết giảm tối đa chi phí thời gian cho các nhà đầu tư,…

 “Làm với nước ngoài họ kỹ tính lắm. Các tập đoàn lớn họ rất trọng chữ tín và đề cao pháp luật. Khi Ban chủ động hướng dẫn, hoặc đôn đốc họ thực hiện các quy định về pháp luật họ đều vui vẻ. Nhờ đó các doanh nghiệp đều triển khai đúng tiến độ và hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội địa phương’, ông Cường nói. 

Qua kết quả đánh giá, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương kết hợp với sự sáng tạo, đột phá trong tổ chức thực hiện “Cơ chế” trên, chỉ trong một thời gian ngắn (tính từ năm 2013 trở lại đây) KCN Điềm Thụy A và KCN Sông Công II đã góp phần vào kết quả chung của các KCN trên địa bàn tỉnh, nhất là thu hút vốn FDI và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng tạo ra từ KCN như: Đến nay, tổng số dự án là 193, trong đó có 92 dự án FDI với vốn đăng ký 7,112 tỷ USD và 101 dự án trong nước với vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng; vốn thực hiện gần 6,9 tỷ USD và 8.230 tỷ đồng; doanh thu tiêu thụ quy đổi 18,95 tỷ USD, nhập khẩu 11,81 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 110.000 lao động và nộp ngân sách ước đạt 4.819 tỷ đồng,… tạo ra cú hích để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có những bước tăng trưởng, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. 

Trưởng BQL các KCN Thái Nguyên Phan Mạnh Cường: “Cơ chế vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần 50 năm áp dụng đối với nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào KCN” có rất nhiều ưu điểm. Cụ thể, khi Nhà nước chưa có nguồn kinh phí BTGPMB, xây dựng hạ tầng đồng bộ tại KCN và khu tái định cư, cơ chế này đã giúp Ban Quản lý các KCN là chủ đầu tư chủ động, linh hoạt trong công tác vận động, xúc tiến đầu tư vào KCN. Đặc biệt là khơi thông những bế tắc, khó khăn về nguồn lực đầu tư công cấp cho dự án hạ tầng KCN và hạ tầng các khu tái định cư.

Đồng thời sàng lọc tự nhiên và lựa chọn được những nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính mạnh, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường khi đầu tư tại KCN gắn với cam kết ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng 50 năm (thay vì nhà đầu tư có quyền trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của pháp luật). Gia tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương từ hiệu quả hoạt động tài chính của dự án hạ tầng KCN khi thực hiện ghi thu - chi nguồn ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng 50 năm hàng nghìn tỷ vào ngân sách nhà nước và tăng nguồn thu cho ngân sách từ tiền thuế các loại của doanh nghiệp nộp ngân sách.

Đọc thêm