Bữa ăn bán trú: Bị phó mặc cho các cơ sở kinh doanh?

(PLO) - Việc mất an toàn thực phẩm (ATTP) xảy ra tại bữa ăn bán trú ở một số trường mầm non, tiểu học tại Hà Nội những ngày qua cho thấy, những bữa ăn mất an toàn, vệ sinh vẫn đang âm thầm len lỏi, xuyên qua các “quy trình được khẳng định là chặt chẽ” tấn công sức khỏe của những đứa trẻ ngay trong khuôn viên các nhà trường.
Nhà trường và xã hội phải có trách nhiệm đảm bảo ATVSTP cho các bữa ăn bán trú của học sinh
Nhà trường và xã hội phải có trách nhiệm đảm bảo ATVSTP cho các bữa ăn bán trú của học sinh

Không quá khó để truy ra nguyên nhân nhưng dù là bất kỳ lý do gì thì tình trạng mất ATTP tựu chung đều do thiếu sự quản lý sâu sát, của những người có trách nhiệm.

Ngàn sự bất cẩn đang “đầu độc” bữa ăn bán trú

Liên tiếp các sự việc về mất ATTP trong bữa ăn bán trú cho thấy đây thực sự không còn là chuyện của một đơn vị, cơ sở đào tạo nào mà là trách nhiệm của xã hội, của ngành Giáo dục đối với sức khỏe của các công dân tương lai, nhất là hiện nay đa số các trường tiểu học và một phần các trường trung học cơ sở đang tổ chức cho học sinh ăn bán trú (bữa trưa và bữa nhẹ buổi chiều). 

Vụ việc “giòi xuất hiện trong bữa ăn bán trú” của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP Hà Nội) làm bùng lên sự bất an về thực trạng ATTP tại các trường học, vốn vẫn âm ỉ trong dư luận. Theo báo cáo của UBND quận Ba Đình cho biết đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, không có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm, công đoạn sơ chế thức ăn đúng quy trình, trang thiết bị dụng cụ để chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn, không có thức ăn lưu cữu, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Còn ấu trùng xuất hiện trong khay inox của học sinh là do “nhân viên nhà bếp chủ quan”. 

Trước sự việc tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, học sinh  Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) và Trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức) cũng gặp sự cố về mất ATTP trong bữa ăn tại trường. Truy nguyên nhân đều cho thấy sự chủ quan, lơ là với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn bán trú ở các trường học. Đó là việc không thực hiện tốt quy trình tiếp nhận thức ăn an toàn, sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, nhân viên chế biến thực phẩm đại khái thiếu hiểu biết về đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm, cơ sở vật chất và điều kiện tại nơi chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo… 

Trên hết là thiếu sự giám sát của nhà trường, ban phụ huynh học sinh đối với nguồn thực phẩm đưa vào các bữa ăn bán trú mà hoàn toàn phó mặc cho đơn vị cung ứng suất ăn theo hợp đồng. 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Câu hỏi này luôn được đặt ra mỗi khi có sự cố về mất ATTP và tất nhiên tại các trường học thì trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu đơn vị là hiệu trường cho dù “công tác tổ chức ăn bán trú thực sự là một thách thức lớn đối với các trường” như nhận định của ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ (Hà Nội). 

Là thách thức vì bản thân các trường không đủ cơ sở vật chất, nhân lực để tự tổ chức bữa ăn cho học sinh nên phải ký hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn sẵn. Nhà trường cũng không thể cử người đến giám sát quy trình tiếp phẩm, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển suất ăn từ cơ sở đến trường. Chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới truy đến hợp đồng, trách nhiệm. 

Sau các sự việc vừa qua, các phòng GD&ĐT đều khẳng định “sẽ siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của nhân viên, kiên quyết xử lý đối với những người không chấp hành quy định”. Vấn đề đặt ra là liệu khẳng định này sẽ được duy trì trong bao lâu, hay khi sự việc lắng xuống, việc “siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp” cũng sẽ lại bị lãng quên, nhất là khi thực tế, hoạt động kiểm tra hoạt động tổ chức bán trú cho học sinh vẫn được tiến hành và luôn được kết luận là “đúng quy trình, đảm bảo chất lượng”.

Sở GD&ĐT TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác ATVSTP năm học 2017 – 2018 với mục tiêu: 100% các trường có bếp ăn tập thể, căng tin ký hợp đồng với cơ sở cung ứng thực phẩm an toàn, được tập huấn về ATTP; 100% số người trực tiếp liên quan đến thực phẩm có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm theo quy định...  Nhưng Kế hoạch còn chưa ráo mực đã xảy ra những vụ việc như tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. 

Còn về phần vai trò của Ban Phụ huynh nhà trường đối với chất lượng và an toàn, vệ sinh cho bữa ăn bán trú thì hoàn toàn mờ nhạt, nếu không muốn nói là “không có vai trò gì”. Khi nhà trường khoán trắng việc lo bữa ăn bán trú cho các cơ sở cung ứng suất ăn sẵn, không kiểm soát thì ban phụ huynh nhà trường cũng “không tham gia”. Vì thế, đã có ý kiến đề nghị giải tán ban phụ huynh nhà trường sau sự cố mất ATTP tại một số trường học này.

* Chị Lê Thị Thanh Loan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): Phải kiểm soát chặt chẽ ATVSTP tại trường học thông qua việc tăng cường sự tham gia kiểm soát của ban phụ huynh vào quy trình tiếp nhận, chế biến bữa ăn bán trú. Nếu nhà trường tổ chức được bếp ăn bán trú là giải pháp tốt nhất để đảm bảo ATVSTP cho học sinh. Còn trong điều kiện hiện nay, các trường cần lựa chọn cơ sở cung ứng suất ăn trên cơ sở khảo sát điều kiện cơ sở vật chất, quy mô, uy tín, không nên chọn cơ sở cung ứng suất ăn chỉ vì “tỷ lệ %”. Hàng tháng, hàng quý phải có hoạt động kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất chất lượng, quy trình chế biến bữa ăn. Nếu không đảm bảo chất lượng, quy trình thì cần chấm dứt hợp đồng ngay để các bữa ăn bán trú không bị “đầu độc” vì mất ATVSTP do lợi nhuận hay bất kỳ sự chủ quan nào của các cơ sở cung ứng suất ăn”.

* Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP HCM: “Phải xem việc chống ngộ độc thực phẩm tại trường học như một “cuộc chiến” nhằm bảo đảm ATTP cho học sinh. Chi cục ATVSTP sẽ phối hợp với ngành GD&ĐT để hoàn thiện, vận hành và duy trì hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học.  Các trường có 1.000 học sinh trở lên nên tự tổ chức bếp ăn tập thể nhằm giảm nguy cơ ngộ độc. Tăng cường tập huấn cho các nhà quản lý, bếp trưởng, nhân viên chế biến về kiến thức an toàn thực phẩm”.

* Ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội: “Trước tình trạng mất ATVSTP xảy ra trong trường học những ngày gần đây, Sở Y tế, Sở GD&ĐT sẽ chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chú ý hơn công tác bảo đảm ATVSTP trong trường học. Trong đó, sẽ rà soát lại hệ thống bếp ăn tập thể của trường học, nguồn cung cấp thực phẩm vào trường bằng các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất”.

Đọc thêm