Ngày 15/5/2003, cảnh sát huyện Tiêu, tỉnh An Huy, Trung Quốc phá thành công vụ án mạng nghiêm trọng, nạn nhân là Lý Phượng (39 tuổi, ngụ thị trấn Hoàng Khẩu, huyện Tiêu). Điều khiến người ta không khỏi bàng hoàng khi chủ mưu vụ án lại là đại biểu nhân dân huyện Tiêu, giám đốc sở giao thông kiêm bí thư đảng ủy Lý Chí Cường.
Thủ tiết với nhân tình
Ngày 12/12/1987, đối với Lý Phượng là một ngày đen tối nhất trong cuộc đời bởi cô phải lấy một người đàn ông theo sự sắp xếp của cha mẹ. Phượng đã bước vào tuổi thiếu nữ, cha mẹ nhiều lần nhờ người mai mối tấm chồng cho con gái nhưng đều bị cô từ chối.
Lý do mà con gái đưa ra rất đơn giản rằng cô muốn ở bên cạnh báo hiếu cha mẹ. Nói thì là như vậy, nhưng thực chất cha mẹ cô cũng đã đoán biết được tâm lý con gái, không phải là không muốn lấy chồng mà vì cô đã dành tình cảm cho một người tên Lý Chí Cường.
Phượng quen Cường hơn một năm trước rồi hai người đem lòng yêu nhau. Chỉ có điều, lúc đó Cường đã vợ con đề huề. Thấy con gái không biết phân biệt phải trái, cha mẹ cô đã huy động bạn bè thân hữu giới thiệu người yêu cho Phượng, hi vọng làm như vậy có thể thay đổi được tình hình. Nào ngờ, tấm chân tình mà Phượng dành cho Cường đã chắc như đinh đóng cột, chẳng thể nào lay chuyển.
Thời điểm đó, cha cô rất ưng ý với một người họ Lư, tuy xuất thân từ nông thôn nhưng kinh tế gia đình ổn định, tướng mạo to cao đẹp trai, tính cách thật thà đáng tin cậy. Chàng thanh niên này cũng rất hài lòng với Phượng. “Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên”, nhưng thấy đây là cơ hội hiếm có nên cha mẹ Phượng quyết tạo áp lực tuyên bố, nếu cô không đồng ý sẽ từ mặt.
Phượng là cô gái nặng tình nên từ khi quen Cường, cô không còn để ý đến ai khác. Vì Cường, cô không những nhiều lần từ chối những người mà cha mẹ giới thiệu, cũng chưa từng đòi hỏi Cường bất cứ điều gì. Chỉ cần Cường yêu cô là cô cảm thấy mãn nguyện. Tuy nhiên lần này, trước áp lực của cha mẹ, Phượng đành phải thỏa hiệp. Bởi dù sao cha mẹ cũng là người sinh ra, nuôi dạy cô nên không thể làm họ đau lòng.
Cuối năm 1987, Lý Phượng chính thức làm lễ kết hôn với người thanh niên họ Lư. Trước ngày cưới, Phượng hẹn Cường ra một khu vực vắng vẻ để nói về sự bất đắc dĩ phải đi cưới người khác. Phượng còn tâm sự rằng tuy mình phải gả cho người khác nhưng tấm thân ngọc quyết chỉ dành riêng cho Cường.
Thấy nhân tình trung trinh như vậy, Cường ôm chặt lấy Phượng, cả hai cùng khóc đến lạc giọng. Quả nhiên, đêm tân hôn, Lư đưa Phượng vào phòng nhưng Phưỡng tỏ ra hờ hững như không, còn lên giọng nói Lư không được đụng vào. Lư thực lòng yêu Phượng nên tôn trọng không làm gì. Tuy nhiên, hơn chục ngày sau Phượng vẫn chưa cho Lư gần gũi. Vì vậy ngay trong tháng đầu cưới nhau, cả hai đã thường xuyên cãi vã.
Lư đau khổ buồn bã trong lòng nhưng không có chỗ giãi bài đành phải âm thầm nhẫn nhịn, hi vọng có ngày khiến vợ động lòng. Nhưng xưa nay oan tình vốn trớ trêu, Lư đã làm đủ mọi cách nhưng vẫn không có được tình cảm của Phượng, ngược lại Phượng càng quá đáng hơn, không chỉ từ chối cho chồng quan hệ mà còn qua lại bất chính với Lý Chí Cường.
Cái gì đến rồi cũng sẽ đến, không lâu sau, Lư phát hiện vợ mình mang bầu. Tuy biết ai là cha của cái thai nhưng vốn là người trung hậu nên Lư cố gắng kìm nén nỗi đau trong lòng, không những không bắt vợ phải giải thích mà vẫn tỏ ra rộng lượng nói: “Chỉ cần em sống cùng anh thì bất kể đứa con là của ai anh cũng chấp nhận”.
Nếu là người biết suy nghĩ lẽ thiệt điều hơn, trước 1 người chồng bao dung như vậy, Phượng cũng phải biết cư xử cho phải đạo nhưng không vì thế mà Phượng có tình cảm với chồng, ngược lại, cô ta đi ngoại tình về, chồng cũng không nói gì nên Phượng càng khinh chồng ra mặt. Ngày 14/9/1988, Phượng sinh 1 cô con gái. Có con, Phượng càng không đoái hoài gì đến Lư.
Bức thư vô tình gây họa
Cha Cường là giám đốc công ty vận tải Hoàng khẩu, sau khi ông nghỉ hưu, Cường cũng lên làm giám đốc một cách “thuận lợi”. Tháng 3/1993, Cường được đề bạt lên làm phó giám đốc sở giao thông kiêm giám đốc công ty xây dựng cầu đường. Cả gia đình sau đó chuyển lên phố huyện.
Thời gian sau này, Phượng cũng chuyển về cha mẹ đẻ của mình. Trong suy nghĩ của Phượng, chỉ có như vậy cô mới có thể giữ trọn tình yêu với nhân tình. Do từ nhà Phượng lên phố huyện cách hàng chục cây số nên từ đó Cường ít quan tâm đến hai mẹ con họ, chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại về hỏi thăm.
Trái lại, Phượng vẫn ngày đêm mong nhớ Cường. Vì muốn được ở cạnh Cường, Phượng có ý định chuyển lên phố huyện nhưng lại sợ như vậy sẽ ảnh hưởng đến bước đường thăng tiến của nhân tình. Phượng phải sống trong tâm trạng đau khổ, mong nhớ như vậy gần 7 năm.
Một tối mùa hè năm 1995, Phượng không thể chịu đựng thêm được nữa liền viết một bức thư dài 8 trang giấy gửi đến sở giao thông cho Cường nói hết những nỗi tủi phận và tâm tư của mình. Đúng hôm thư đến thì Cường lại đi họp xa nên bức thư được chuyển đến tay vợ của Cường là Dương Quế.
Vợ Cường đọc thư xong tức đến sôi máu. Cường về, Quế gọi Phượng đến nhà để ba mặt một lời hỏi cho rõ ràng. Cường đành phải cúi đầu thú nhận sự thực. Trong lúc không kìm chế được bản thân, Quế cầm chiếc ghế gỗ ném về phía Cường. Phượng thấy vậy liền lấy thân che cho Cường, lãnh trọn chiếc ghế. Sau sự việc đó, Quế bỏ ra 21 ngàn nhân dân tệ coi như tiền bồi thường cho Phượng, đồng thời yêu cầu Phượng từ nay cắt đứt quan hệ với chồng mình.
Phượng quay về ly hôn với chồng. Ngày 9/2/1996, Phượng và chồng chính thức ra tòa, kết thúc cuộc hôn nhân đầy ngang trái trớ trêu này, đưa con chuyển lên huyện sinh sống. Sau đó, Cường và Phượng lại nhanh chóng quay lại thậm thụt với nhau, điều mà Quế không bao giờ ngờ tới.
Phượng đưa con lên thành phố nhưng không có việc làm, vì vậy, mọi chi phí sinh hoạt đều do Cường chu cấp. Cường còn cấp vốn cho Phượng mở một hiệu sách, ít lâu sau do kinh doanh ế ẩm, Phượng chuyển sang kinh doanh quần áo trẻ con.
Tuy có chút khấm khá hơn, nhưng trừ hết chi phí, Phượng cũng không dành dụm được là bao. Cường thấy vậy khuyên Phượng ở nhà toàn tâm toàn ý chăm sóc con và làm một người “vợ” đảm đang, cũng là để bù đắp cho mẹ con Phượng bao năm vất vả. Cường bỏ số tiền lớn ra mua một căn hộ cho hai mẹ con Phượng.
Tuy Cường không thể cho mẹ con Phượng được một danh phận nhưng đối với Phượng, Cường vẫn là người đàn ông của đời mình. Cô ta cảm thấy tự hào về người đàn ông này và càng đắm đuối với anh ta hơn. Căn nhà luôn được Phượng chăm lo tỉ mỉ, mua sắm đầy đủ mọi vật dụng từ giày dép, quần áo cho Cường. Phượng cũng coi căn nhà này là gia đình nhỏ của 3 người.
Án mạng từ một tấm ảnh
Trong lòng Phượng, Lý Chí Cường giống như một vầng thái dương, mỗi lần anh ta đưa tiền cho Phượng, việc đầu tiên cô ta làm là ra phố chọn cho Cường mấy chiếc áo thật đẹp, còn lại mới là tiền chi tiêu của hai mẹ con. Phượng thường khuyên con gái rằng Cường kiếm tiền không dễ dàng nên hai mẹ con phải tiết kiệm đừng để cha thêm gánh nặng. Cường không đưa tiền thì Phượng cũng không bao giờ ngửa tay ra xin.
Về phần Cường luôn chạy đi chạy lại giữa hai gia đình, tuy thực lòng yêu Phượng và có phần chán nản cuộc hôn nhân với Quế, nhưng đối với Cường, ly hôn sẽ gây ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh ta, anh ta sẽ không thể có được ngày hôm nay. Hơn nữa, từ trước đến nay Phượng cũng chưa một lần yêu cầu phải ly hôn với vợ để cưới cô ta. Vì vậy, Cường có thể yên tâm cuộc sống vui vẻ giữa hai gia đình.
Nháy mắt, 5 năm đã trôi qua, lúc này Cường đã lên làm giám đốc sở giao thông 1 thời gian, anh ta càng trân trọng tiền đồ của mình hơn. Vì vậy, việc qua lại với Phượng và con gái riêng Cường cũng hết sức thận trọng.
Ngày 14/9/2002, là ngày sinh nhật lần thứ 14 của cô con gái Lý Hoàn. Sáng hôm đó, Phượng tất bật ra chợ mua đồ làm một mâm cơm đầy. Làm xong, Phượng bảo con gái gọi điện cho Cường về nhà dự sinh nhật.
Điều Cường sợ hãi nhất là cuộc tình vụng trộm của mình bị phát hiện, ảnh hưởng đến đường thăng quan tiến chức nên khi con gái gọi điện mời dự sinh nhật, Cường sợ không an toàn nên bảo không về được và sẽ cho con gái 2 ngàn tệ để cô thích mua gì thì mua. Tuy nhiên cô con gái nhất định muốn cha phải đến tham dự, ngoài ra không cần gì khác.
Không thể từ chối được, Cường đành phải đến. Do mối quan hệ “già nhân ngãi, non vợ chồng” nên Phượng thường xuyên nhắc con gái không được tiết lộ thân phận, nói với người khác rằng mình là con gái giám đốc sở giao thông. Khi ra ngoài, nếu có gặp mặt trên đường cũng coi như người không hề quen biết. Điều này khiến Lý Hoàn cảm thấy rất tủi phận, cô bé luôn mong muốn có tình cảm thương yêu của người cha một cách bình thường.
Do lo ngại ảnh hưởng đến tiền đồ nên hai cha con chưa bao giờ chụp ảnh chung. Lần này, trong bàn tiệc, cô con gái cầm máy ảnh ra nũng nịu đòi chụp ảnh với Cường. Cường từ chối, lấy lý do mình chụp ảnh không đẹp. Tuy nhiên, cô con gái nhất định đòi phải chụp ảnh chung. Không còn cách nào khác, Cường đồng ý để Phượng chụp cho hai cha con mấy tấm.
Buổi sinh nhật diễn ra rất vui vẻ, Cường cũng không suy nghĩ gì nhiều đến mấy tấm ảnh. Thế nhưng, khi về nhà, Cường nghĩ: Mình là nhân vật quyền chức, lỡ chẳng may bức ảnh bị lộ ra ngoài, bị người khác nhìn thấy thì mối quan hệ với mẹ con Phượng sẽ bại lộ. Như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đường công danh, bởi trong lúc này anh ta đang phấn đấu lên chức chủ tịch huyện.
Nghĩ trước nghĩ sau, Cường cho rằng mấy tấm hình chụp chung với con gái là quá nguy hiểm. Vì vậy, Cường gọi tay chân tâm phúc của mình là Tưởng Thiết Binh đến nghĩ cách lấy lại mấy tấm hình.
Một ngày tháng 3/2003, Tưởng Thiết Binh nhân lúc con gái Cường đang nấu ăn dưới bếp đã chạy vào phòng cô bé lấy cắp tấm tình chụp chung hai cha con đặt ở đầu giường. Phượng rất ít cho người ngoài vào nhà, mấy hôm đó chỉ có Binh vào nhà nên hai mẹ con đoán rằng Cường sai Binh đến lấy trộm tấm hình.
Lý Hoàn khóc lóc gọi điện cho Cường chất vất: “Cha lấy bức ảnh làm gì? Con năm nay đã 14 tuổi mà cha mới dự sinh nhật con 2 lần. Từ nhỏ đến lớn mới chụp ảnh chung với con một lần, chụp xong lại sai người đến lấy trộm. Có đứa con như con, cha cảm thấy mất mặt à? Cha cắt tấm ảnh có phần của cha đi, còn của con trả cho con”.
Tuy Cường ngoài miệng phủ nhận rằng mình không lấy, nhưng lời của con gái chạm vào nỗi đau của anh ta, Cường bất giác cũng khóc trong điện thoại.
Lúc đó, khuôn mặt đẫm nước mắt của con gái cũng là hình ảnh không thể quên được đối với Phượng. 16 năm rồi Phượng nhẫn nhục chịu đựng biết bao tủi nhục, không có một chút danh phận cũng chỉ vì nghĩ đến Cường, cũng vì giữ sự ổn định trong gia đình anh ta. Mình chịu nhục, chịu khổ một chút cũng được, nhưng cô con gái còn nhỏ tuổi nhưng cũng biết hi sinh vì danh tiếng của cha, chịu thiệt thòi vì không có được tình yêu thương, quan tâm của người cha. Nay có một bức ảnh chụp chung cũng bị chính người cha ấy cướp đi mất, trong lòng Phượng cuộn lên những nỗi đau dồn dập.
Trong lúc bức xúc, Phượng gọi điện cho Cường: “Anh cứ lấy trộm đi, nếu anh làm gì quá đáng, tôi sẽ vẫn còn phim của tấm ảnh, tôi rửa ra 1 ngàn kiểu phát tán ra ngoài cho anh biết…”.
Không ngờ chỉ vì một câu nói trong lúc tức giận này làm Cường cảm thấy sợ hãi. Anh ta không dám nghĩ tiếp, nếu Phượng đem những bức ảnh này phát tán ra ngoài thì kết cục sẽ ra sao, anh ta sẽ không còn mặt mũi nào nhìn mặt vợ con, cũng đừng nói đến chuyện tiếp tục thăng quan tiến chức.
Càng nghĩ Cường lại thấy toát mồ hôi hột. Trong lúc quẫn bách, anh ta nảy ra ý nghĩ điên cuồng, chỉ khi nào Phượng biến khỏi cuộc sống này thì mình mới yên tâm. Vậy là Cường lập ra một kế hoạch giết người dã man.
Khoảng 9h tối 4/4/2004, sau khi giúp một người chị em xếp xong lô rượu vừa nhập, Lý Phượng một mình đi xe máy về nhà. Trên đường đi, đến đoạn đường vắng Phượng gặp một tai nạn thảm khốc, toàn thân bê bết máu. May mắn có người phát hiện kịp thời đưa cô vào bệnh viện cấp cứu mới giữ lại được tính mạng.
Khi tỉnh lại, có một điều Phượng cảm thấy vô cùng kì lạ là gần 40 ngày nằm viện mà Cường chưa từng đến thăm một lần. Đến khi xuất hiện thì mắt la mày liếm, Phượng lờ mờ hiểu ra rằng, lần tai nạn thập tử nhất sinh này rất có thể là do Cường đạo diễn.
Nghĩ mình đã 15 năm không cần danh phận hay đòi hỏi bất cứ thứ gì đi theo Cường, anh ta không những không niệm tình cũ mà còn ra tay tàn độc với mình. Phượng đau đớn, trong lòng có cảm giác như vừa bị một con rắn độc ngoạm vào tay.
Sau khi về nhà, Phượng cảm nhận rất rõ ràng rằng Cường đang lạnh nhạt với mình. Không những vậy, điện thoại của con gái anh ta cũng không thèm nhận. Thấy Cường vô nghĩa, tuyệt tình với mình, Phượng đã suy nghĩ rất nhiều. Sau mấy hôm dày vò, Phượng quyết định chia tay với Cường nhưng đề nghị trả lại con gái cho Cường nuôi dưỡng và Cường phải đền bù cho Phượng 500 ngàn nhân dân tệ.
Biết Phượng đã có ý nghi ngờ mình, Cường hạ quyết tâm phải giết bằng được nhân tình. Anh ta sợ một khi Phượng quay lại phản mình thì hậu quả sẽ thật khó lường. Tối 14/5/2003, Lý Chí Cường uống rượu xong về nhà khóc lóc với vợ là Dương Quế về việc này. Quế nghe xong lập tức gọi hai vợ chồng người cháu là Dương Thế Toàn và Vương Quế Linh đến để cùng bàn bạc kế hoạch trừ khử Lý Phượng.
Khoảng 8h tối 15/5, ba người lừa Phượng lên một chiếc xe sau đó dùng gậy đập liên tiếp Phượng. Sau đó cả ba cho xe chạy lòng vòng rồi chọn địa điểm hoang vắng vứt xác Phượng ở giữa đường, Lý Thế Toàn dùng xe container chèn lên, tạo thành một vụ tai nạn giao thông sau đó trốn lái xe tẩu thoát kỏi hiện trường.
Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt. Ngày 28/5/2003, 9 kẻ tình nghi liên quan đến vụ án lần lượt bị bắt giữ và trả giá đắt trước pháp luật, trong đó có Lý Chí Cường.
Chỉ vì một chữ tình đã khiến cô rơi vào bãi lầy, lụy tình, hi sinh cả cuộc đời vì một người đàn ông, không cần danh phận, không đòi hỏi nhưng cuối cùng lại chịu họa sát thân. Chỉ vì một chữ tham mà anh ta lao vào cuộc tình ngoài vợ chồng, để rồi luôn thấp thỏm lo sợ, đi đến quyết định sát hại người khác và tự hủy hoại mình. Câu chuyện này cũng là bài học và một lần nữa để chúng ta suy ngẫm.