Nỗi niềm mẹ của nam sinh viên sống buông thả, đi cướp giật

(PLO) - Mẹ bị cáo Hiền cho biết, bà làm nghề giáo mấy chục năm nay, nhưng cuối cùng vẫn đành bất lực trước đứa con trai lạc lối. Biết con trai nghiện ma túy, bà nhiều lần đưa con đi cai nghiện. Nhưng mỗi lần trở về được ít lâu, Hiền lại tái nghiện. 
Ảnh chỉ có tính minh họa.
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Có con trai nghiện ngập, bà đã buồn khổ trong lòng. Giờ con trai đi cướp giật đến nỗi phải đi tù, khiến trái tim người làm mẹ như bà thêm tan nát.

Bà bảo mỗi lần bước ra đường, bà cảm thấy xấu hổ khi đối mặt với ánh mắt người xung quanh. “Mình làm giáo viên, nhưng con lại phạm pháp, xấu hổ lắm. Nhiều đêm nằm nghĩ mãi về con, buồn không cách chi ngủ được. Cứ nghĩ mình đứng trên bục giảng, ngày ngày dạy dỗ các em học sinh, mà con mình ở nhà lại hư hỏng, thiệt chẳng còn mặt mũi để gặp ai”.

Sinh viên đi cướp giật

Mới sáng sớm, nhưng trên tầng 4 TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế), nắng đã gay gắt hành lang. Người phụ nữ đứng bên mép lan can, hai mắt sưng đỏ vì khóc. Bà cầm chiếc khăn tay mỏng, chốc chốc lại đưa lên chặm chặm nơi khóe mắt, nhưng nước mắt vẫn cứ mãi miết chảy xuống như mưa giữa mùa. Con trai bà là bị cáo Lê Việt Dũng (21 tuổi, ngụ TP Huế), bị truy tố về tội “Cướp giật tài sản”. Khi phạm tội, Dũng đang là sinh viên năm 3 của trường Đại học Nông Lâm Huế

Đồng phạm với Dũng là bị cáo Nguyễn Lê Cảnh Hiền (36 tuổi, ngụ TP Huế). Hiền có vợ và ba đứa con. Sáng hôm nay ra tòa, vợ Hiền dẫn theo đứa con út đến tòa để chồng thăm. Đứa bé mới 4 tuổi, lâu ngày mới gặp cha thì mừng rỡ sà đến. Nhưng cha con chưa kịp ríu rít nói mấy câu, cái ôm còn chưa kịp ấm, phiên tòa đã bắt đầu. Hai cha con quyến luyến tách ra. 

Vì em chưa đủ tuổi, nên không thể vào phòng xử án. Mẹ kê chiếc ghế ngay bên ngoài cửa. Em ngồi yên, mắt chăm chăm nhìn bóng lưng cha nơi vành móng ngựa. Lâu lâu lại chỉ tay nói với người bên cạnh bằng cái giọng trẻ con: “Ba đó”, “Ba đó”. 

Bị cáo Hiền và bị cáo Dũng đứng nơi vành móng ngựa. Cả hai thanh niên cao ráo, mặt mày sáng lạn. Nhìn vẻ ngoài đẹp trai, hiền lành của cả hai, nhưng ít ai biết đó là hai “con nghiện”. Để có tiền sử dụng mà túy, cả hai còn lên kế hoạch đi cướp một cách táo tợn.

Khoảng 4h chiều 6/4/2017, Dũng đi uống cà phê thì gặp Hiền. Tại đây, Hiền rủ Dũng cùng góp tiền đi mua ma túy để sử dụng chung. Dũng đồng ý. Trên đường chạy xe đi mua ma túy, Dũng rủ Hiền đi cướp giật điện thoại, Hiền đồng ý. Nhưng cả hai ưu tiên việc đi mua ma túy trước. Sau khi mua được ma túy từ một người không rõ lai lịch ở gần chợ Phường Đúc, cả hai chở nhau ra công viên Lê Lợi sử dụng chung. Sử dụng ma túy xong, Hiền đổi ý, bảo không đi giật điện thoại nữa. Hiền đề nghị cả hai đi cướp giật dây chuyền. 

5h30 chiều hôm đó, Hiền chở Dũng chạy qua các tuyến phố, tìm người đi đường có đeo dây chuyền vàng để cướp giật. Khi cả hai chạy đến đường Đặng Tất, thì phát hiện bà Phạm Thị Điểm đang điều khiển xe máy dừng bên đường, trên cổ có đeo một sợi dây chuyền vàng. Hiền dừng xe nói với Dũng: “Để chờ bà ni đi thì giật luôn”. Dũng nhất trí.

Đợi khoảng một lúc thì bà Điểm điều khiển xe lưu thông trên đường. Hiền chạy xe bám theo, tìm cơ hội thuận lợi để cướp giật. Khi bà Điểm cho xe chạy chầm chậm để di chuyển vào cửa Hậu (cửa vào thành Nội), Hiền liền tăng ga, từ phía sau vượt lên, áp sát xe bà Điểm, dùng tay giật dây chuyền trên cổ bà Điểm, nhưng giật hụt. Dũng ngồi phía sau thấy vậy liền đưa tay giật lấy dây chuyền bà Điểm, làm bà này chao đảo tay lái, cả người lẫn xe ngã xuống lề đường. Dũng giục Hiền tăng ga tẩu thoát.

Sau khi cướp giật được sợi giây chuyền, cả hai đem đến tiệm vàng để bán. Dũng đứng ở ngoài chờ. Hiền vào bán được 6,4 triệu đồng, nhưng cất riêng 2 triệu, nói dối chỉ bán được 4,4 triệu đồng. Hai người thống nhất chia mỗi người 2 triệu. Hiền nói với Dũng mình đang cần tiền có việc nên đề nghị Dũng cho mượn 1 triệu. Dũng đồng ý, nên Hiền chỉ đưa cho Dũng 1 triệu. Như vậy, Hiền đút túi hết 5 triệu. Còn 400 ngàn đồng, cả hai xài chung.

Vị chủ tọa chỉ trích hành vi của hai bị cáo là quá tạo tợn, vô cùng nguy hiểm. “Tài sản bị cáo chiếm đoạt được có thể không lớn, nhưng hành vi vô cùng nguy hiểm. Bị cáo có nghĩ, nếu khi mình cướp giật, bị hại nếu ngã xuống chấn thương, có thể nguy hiểm đến tính mạng không? Bị cáo có biết, rất nhiều vụ cướp giật xảy ra, nhiều khi chỉ chiếm đoạt được một số tiền rất nhỏ, nhưng lại gây ra những cái chết thương tâm. Biết bao nhiêu cuộc đời tươi trẻ, biết bao nhiêu sinh mạng quý giá, vì những hành vi tương tự như các bị cáo mà phải chấm dứt một cách oan uổng?”.

“Tàn đời” vì nghiện ngập

Bị cáo Hiền từng học Đại học Khoa học Huế, là cử nhân ngành tin học. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hiền theo con đường buôn bán được 2 năm, đến năm 2005 thì chuyển sang nghề lái xe cho đến giờ.

Năm 2004, Hiền từng bị công an thành phố Huế xử phạt hành chính về hành vi “đánh bạc”. Đến năm 2005, Hiền bị công an tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt hành chính về hành vi “sử dụng trái phép chất ma tuy”. Năm 2008, Hiền tếp tục bị xử phạt về hành vi này. Năm 2010, Hiền lại bị phạt hành chính về hành vi “cầm cố xe máy không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định”. Năm 2013 lại tiếp tục bị xử phạt hành chính về hành vi “Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Mẹ bị cáo Hiền cho biết, bà làm nghề giáo mấy chục năm nay, nhưng cuối cùng vẫn đành bất lực trước đứa con trai lạc lối. Biết con trai nghiện ma túy, bà nhiều lần đưa con đi cai nghiện. Nhưng mỗi lần trở về được ít lâu, Hiền lại tái nghiện. Có con trai nghiện ngập, bà đã buồn khổ trong lòng. Giờ con trai đi cướp giật đến nỗi phải đi tù, khiến trái tim người làm mẹ như bà thêm tan nát. Bà bảo mỗi lần bước ra đường, bà cảm thấy xấu hổ khi đối mặt với ánh mắt người xung quanh.

“Mình làm giáo viên, nhưng con lại phạm pháp, xấu hổ lắm. Nhiều đêm nằm nghĩ mãi về con, buồn không cách chi ngủ được. Cứ nghĩ mình đứng trên bục giảng, ngày ngày dạy dỗ các em học sinh, mà con mình ở nhà lại hư hỏng, thiệt chẳng còn mặt mũi để gặp ai”.

Mẹ bị cáo Dũng cũng là giáo viên. Bà đến tòa với đôi mắt sưng đỏ vì khóc. Trong suốt phiên tòa, bà liên tục lấy khăn lau nước mắt. Con trai bà đang là sinh viên. Tương lai rộng mở thế kia. Nhưng vì ma túy, mà tất cả đều phải khép lại. Bà sợ sau những ngày ngồi bó gối sau song sắt nhà giam, đến lúc trở về, không biết con trai bà phải đi tiếp như thế nào.

Tòa hỏi bị cáo Dũng: “Đang đi học, bị cáo lấy tiền đâu để sử dụng ma túy?”.

Bị cáo lí nhí bảo do nhịn tiền tiêu vặt mẹ cho. 

“Bị cáo đi cướp giật mấy lần rồi?”. 

“Dạ một lần”. 

“Đó là một lần bị phát hiện. Bao nhiêu lần bị cáo đi cướp mà không bị cơ quan chức năng phát hiện?”. 

Bị cáo cho rằng mình mới đi cướp lần đầu, nhưng đã sa lưới ngay. 

“Ở trong trại giam, bị cáo thấy sao?”. 

“Bị cáo thấy sợ. Lo lắng. Hối hận. Bị cáo thấy mình rất có lỗi với ba mẹ. Bị cáo xin lỗi vì đã phụ lòng ba mẹ”. 

“Bố mẹ bị cáo cho bị cáo ăn học. Bị cáo không lo học hành, lại ham ăn chơi, nghiện ngập, rồi đi trộm cướp. Bị cáo nghĩ sao lấy tiền bố mẹ cấp dưỡng ăn học đi sử dụng ma túy? Giờ vô trại, coi như cũng hết học hành. Bị cáo là sinh viên đại học, nhưng sống quá buông thả. Cha mẹ chỉ mong con cái học hành, đỗ đạt, ra trường có việc làm, vậy là thỏa mãn. Nhưng bị cáo xem đã là gì với cuộc đời của mình?”. 

Tòa hỏi bị cáo Hiền: “Bị cáo đã có vợ?”. 

“Dạ có”. 

“Bị cáo đã có con?”. 

“Dạ có 3 con”. 

“Bị cáo đã làm chồng, làm cha của ba đứa con, nhưng vẫn sống buôn thả như thế?. Bị cáo nghiện ngập, bị cáo đi trộm cướp, bị cáo làm sao mà làm gương cho con cái noi theo? Làm sao mà dạy dỗ con cái nên người? Bị cáo không sợ con mình noi theo gương xấu của bị cáo mà hư hỏng sao? Bị cáo là con trai lớn trong nhà, chưa kể bị cáo thiếu trách nhiệm với cha mẹ già, bị cáo còn quá vô trách nhiệm với vợ con. Bây giờ bị cáo đi tù, ba đứa con bị cáo ai nuôi?”. 

Hiền bảo rất hối hận. Xin tòa giảm nhẹ mức án để sớm trở về làm ăn nuôi con.

Do cả hai bị cáo Hiền và Dũng đều giữ vai trò khởi xướng và thực hành tích cực trong mỗi giai đoạn thực hiện tội phạm, nên có vai trò ngang nhau trong vụ án. Tuy nhiên, bị cáo Hiền có nhân thân xấu. Bị cáo Dũng có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, gia đình bị cáo Dũng có công với cách mạng. Bị cáo Dũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ hơn, vì vậy mức án của bị cáo Dũng sẽ nhẹ hơn của bị cáo Hiền. Tòa nhận thấy xử lý các bị cáo mức án thấp nhất dưới khung hình phạt đã đủ răn đe, vì vậy tuyên phạt bị cáo Dũng 2 năm 3 tháng tù, bị cáo Hiền 2 năm 6 tháng tù.

Dũng ngồi phía sau đưa tay giật lấy dây chuyền, làm nạn nhân chao đảo tay lái, cả người lẫn xe ngã xuống lề đường. Dũng giục Hiền tăng ga tẩu thoát. Cả hai đem đến tiệm vàng để bán. Dũng đứng ở ngoài chờ. Hiền vào bán được 6,4 triệu đồng, nhưng cất riêng 2 triệu, nói dối chỉ bán được 4,4 triệu đồng. Hai người thống nhất chia mỗi người 2 triệu. Hiền nói với Dũng mình đang cần tiền có việc nên đề nghị Dũng cho mượn 1 triệu. Dũng đồng ý, nên Hiền chỉ đưa cho Dũng 1 triệu. Như vậy, Hiền đút túi hết 5 triệu. Còn 400 ngàn đồng, cả hai xài chung.

Đọc thêm