Nỗ lực trong tình hình mới
Nhờ sự nỗ lực tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là những dự án trọng điểm tại tỉnh Hà Tĩnh được đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như công tác giải ngân nguồn vốn. Đây là động lực làm lượng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Tĩnh tăng mạnh.
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, trong 9 tháng năm 2022, thu ngân sách toàn tỉnh đạt 14.364 tỷ đồng, đạt 88% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt hơn 29.000 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch (kế hoạch 43.000 tỷ đồng), tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2022 và nhận định cho năm 2023 từ những kỳ vọng mới như Nhà máy Nhiệt điện 2, Nhà máy bia Nghệ Tĩnh đi vào đầu tư xây dựng và triển khai hoạt động.
Lễ động thổ nhà máy liên doanh sản xuất Cell pin sạc LFP có tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. |
Đặc biệt, trong năm 2022, số lượng doanh nghiệp gia nhập, quay lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2022, thành lập mới gần 1.100 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng, tăng 39% về số lượng so với cùng kỳ năm 2021, vượt chỉ tiêu cả năm 2022; gần 300 doanh nghiệp quay lại thị trường, tăng gần 16%. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay lại thị trường gấp 2,5 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường; lũy kế đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 27 tỷ đồng/doanh nghiệp. Thành lập mới 15 hợp tác xã, 4.077 hộ kinh doanh, đến nay toàn tỉnh có 1.015 hợp tác xã, 52.500 hộ kinh doanh đang hoạt động. Chấp thuận chủ trương đầu tư 15 dự án, trong đó 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 280 triệu USD.
Hà Tĩnh hướng đến nền công nghiệp hiện đại
Một điểm nhấn để Hà Tĩnh bứt tốc đó là vào ngày 8/11/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước.
Những năm qua, ngành công nghiệp Hà Tĩnh đã tăng trưởng đột phá về cả quy mô và năng lực sản xuất, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, dần khẳng định vai trò đầu tàu trong một số lĩnh vực (như sản xuất thép, cảng biển, may mặc, năng lượng....), tạo “lực hút” mạnh mẽ đối với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Hà Tĩnh.
Cảng nước sâu Vũng Áng Hà Tĩnh. |
Đặc biệt, từ khi dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn I) đi vào vận hành chính thức năm 2017 đã góp phần ghi tên Hà Tĩnh vào bản đồ ngành công nghiệp thép và hiện thực hóa chủ trương xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành một trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh, với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Về Sản xuất điện: Hà Tĩnh phát triển các nhà máy điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối ở những nơi có điều kiện. Hoàn thành nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II bằng công nghệ điện than, triển khai xây dựng nhà máy điện khí Vũng Áng III và điện khí Formosa (giai đoạn 2) gắn với trung tâm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Về công nghiệp ô tô: Hà Tĩnh tiếp tục đánh dấu bước đột phá bền vững của ngành công nghiệp với các dự án của Tập đoàn Vingroup đã khởi công xây dựng tại Khu kinh tế (KKT), Nhà máy sản xuất và đóng gói pack pin với quy mô giai đoạn 1 là 8ha, công suất 100.000 pack pin/năm, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng và Nhà máy liên doanh sản xuất Cell pin sạc LFP có tổng mức đầu tư gần 6.330 tỷ đồng (275 triệu USD), quy mô 14ha với công suất thiết kế 5GWh/năm. Đây là hai dự án quan trọng, tiến thêm một bước, tạo nền móng để Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục phát triển, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, nâng tầm thương hiệu ô tô quốc gia đối với cả khu vực và thế giới. Chế biến nông lâm sản: Hình thành một số cụm công nghiệp chế biến gắn vùng nguyên liệu nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và chất lượng cao.
Về Sản xuất dệt may: Hình thành một số khu, cụm công nghiệp tập trung, chuyên dành cho các doanh nghiệp dệt may và các doanh nghiệp phụ trợ tại thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân, Can Lộc và một số địa phương khác nhằm tạo liên kết sản xuất, cung ứng vật liệu, linh kiện.
Với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp phát triển, trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng đóng vai trò là “một trung tâm”, công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những trụ cột của nền kinh tế, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nghị quyết và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển lĩnh vực công nghiệp. Đặc biệt, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động xúc tiến, thu hút các dự án lớn, dự án công nghiệp trọng điểm vào địa bàn được quan tâm, tập trung cao.