Bức tranh lịch sử trên thân chuông đồng bảo vật Việt Nam

(PLO) - Chuông Thanh Mai hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam, vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. Ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hóa, trên thân chuông còn khắc một dòng chữ cổ tiết lộ đơn vị đo cân nặng của người Việt cách đây hơn một nghìn năm.
Bức tranh lịch sử trên thân chuông đồng bảo vật Việt Nam

Bảo vật dưới lòng đất

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Phó phòng Kiểm kê Bảo quản (Bảo tàng Hà Nội) cho biết: năm 1986, người dân đang làm việc ngoài cánh đồng phát hiện quả chuông ở sâu dưới lòng đất (thuộc xóm Phú An, thôn My Dương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ).
Nhận thấy đây là quả chuông còn rất nguyên vẹn, khắc nhiều chữ cổ tinh xảo, nhân dân liền báo cơ quan chức năng. Quá trình nghiên cứu cho thấy chuông được đúc vào năm 798, trong giai đoạn lịch sử “nghìn năm Bắc thuộc” của dân tộc.
Do được phát hiện ở xã Thanh Mai nên chuông được gọi là chuông Thanh Mai, sau đó được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Hà Tây. Năm 2010, Hà Tây sáp nhập Hà Nội, cổ vật này được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội cho đến bây giờ.
Chuông được đánh giá là cổ nhất, có hình dáng và chữ khắc độc đáo, không giống bất cứ chuông nào trong hệ thống chuông chùa Việt Nam.
Chuông được đánh giá là cổ nhất, có hình dáng và chữ khắc độc đáo, không giống bất cứ chuông nào trong hệ thống chuông chùa Việt Nam.
Bảo vật có dáng hình trụ, miệng thẳng liền với thân. Chuông có hai núm đúc trên thân dùng để gõ chuông, hình tròn, lồng trong nền cánh sen. Quai chuông ở phía trên cùng, đúc nổi đôi rồng đấu lưng vào nhau, uốn cong một cách khéo léo tạo thành núm treo chuông.
Theo ông Đà, rồng quai chuông đơn giản, không vảy, đầu to, không bờm, miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông. “Hình tượng rồng này gợi đến hình tượng rồng khắc trên tấm bia đá cổ nhất Việt Nam ở Trường Xuân (Thanh Hóa) niên đại 618”, ông Đà nói.
Ngoài ra, đỉnh chuông được tạo theo hình chỏm cầu, đúc nổi bằng nhiều cánh sen kép và nhũ đinh. Có một đường gờ nổi chạy suốt mép đỉnh chuông. Thân chuông chia làm bốn khoang lớn, phân cách nhau bởi ba đường gờ nổi. Mỗi khoang chia làm hai ô trên và dưới. Ô trên là hình thang cân, ô dưới là hình chữ nhật.
Trong lòng mỗi ô đều có khắc chữ Hán. Tổng cộng tám ô khắc 1530 chữ. Căn cứ vào những chữ này biết được, chuông do Hội Tuỳ Hỉ (một tổ chức của Phật giáo lúc đó) đúc vào năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên thứ 14 (năm 798). Những chữ viết trên thân chuông còn cho biết danh sách những người công đức để đúc chuông đều là đệ tử nhà Phật, trong đó có nhiều quan chức.
Nguồn sử liệu giá trị
Thân chuông có khắc một bài kệ, dùng để đọc khi thỉnh chuông. Nội dung chính của bài kệ này được dịch là: Chiếc chuông này được nhiều người công đức đúc nên. Danh sách những người công đức có ghi trên thân chuông. Những người này đều là đệ tử của nhà Phật, có chung tâm đức tạo nên chiếc chuông này, họ mong muốn rằng: khi tiếng chuông vang lên thì được trời, đất, thần, phật chứng giám cho chúng sinh và tiêu trừ hết khổ nạn. Phật pháp được lưu danh muôn thuở.  
Ông Đà cho biết: “Tuy chuông không ghi cụ thể của chùa nào, nhưng qua bài kệ để đọc khi thỉnh chuông, chúng ta biết được đây là chuông chùa.
Ngoài ra, nội dung chữ khắc trên thân chuông còn giúp các nhà nghiên cứu tìm được nhiều tư liệu quý báu.
Theo đó, những chữ viết nhắc đến nhiều địa danh hành chính thời Đường, gồm có bốn huyện (An Lạc, Văn Dương, Hán Hội, Nhật Nam); 18 châu (Tư Lăng, Nghi, Tấm, Trường, Văn, Vi, Tuy, Diêm, Quý, Kinh, Sóc, Thạch, Từ, Hạ, Ngạn, Ái, Tây Bình, Liễu); 12 phủ (Vạn Cát, An Lạc, Long Sơn, Âm Bình, Dung Sơn, Thượng Đức, Tứ Môn, Đại Bân, Ly Thạch, Cát Xương, Hạ Tập, Nghĩa Vương).
Bảo vật chuông Thanh Mai được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
  Bảo vật chuông Thanh Mai được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
“Đây là những địa danh hành chính của cả Việt Nam và Trung Quốc lúc bấy giờ, góp phần nghiên cứu tổ chức đơn vị hành chính và giao thoa văn hóa thời kỳ Bắc thuộc”, ông Đà nói.
Nội dung chữ viết trên thân bảo vật còn nhắc đến nhiều chức danh quan lại như: huyện úy, tả kim ngô vệ, chiết xung đô úy, phán quan, thượng trụ quốc, kinh lược tiên phong binh mã sứ, thứ sử, triều nghị lang, du dịch sứ....
Đặc biệt, trên thân chuông, chữ viết giới thiệu chuông nặng “90 cân Nam”. Từ dữ liệu này, lần đầu tiên các nhà nghiên cứu biết được đơn vị đo lường khối lượng của người Việt cách đây hơn một nghìn năm. Tính theo đơn vị hiện nay, bảo vật này nặng 36kg. Như vậy, 1 “cân Nam” = 0,4kg hiện nay (2,5 “cân Nam” = 1kg hiện nay; tương đương 90 cân Nam = 36kg). “Dữ liệu này cũng góp phần chứng minh chuông này được đúc và lưu truyền, sử dụng trên đất Việt”, Phó giám đốc Bảo tàng nói.
Theo đánh giá của những nhà nghiên cứu, chữ khắc trên thân chuông Thanh Mai vuông vức, đường nét rõ ràng. Trong văn ngữ, đôi chỗ sử dụng từ ngữ của người Việt.
Cổ vật độc đáo
Chuông Thanh Mai từng được công nhận là một trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam vào năm 2006, với danh hiệu Quả chuông đồng cổ nhất Việt Nam. Về lí do được vinh danh là Bảo vật Quốc gia, ông Nguyễn Tiến Đà, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Nội nhận định, chuông Thanh Mai là cổ vật độc bản, được xem là có niên đại sớm nhất cho đến nay được phát hiện ở Việt Nam.
Chuông có hình dáng và chữ khắc độc đáo, không giống với bất cứ chuông nào trong hệ thống chuông chùa ở Việt Nam; là nguồn sử liệu có ý nghĩa cho nghiên cứu Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ VIII. Họa tiết trang trí trên thân chuông thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật đúc đồng thời bấy giờ.
Ngoài ra, chữ viết trên thân chuông vẫn giữ được sự rõ ràng, cụ thể, là nguồn sử liệu chân thực để nghiên cứu xã hội người Việt thời Bắc thuộc. “Với ngần ấy giá trị về lịch sử, văn hóa, điêu khắc, chuông Thanh Mai xứng đáng là bảo vật quốc gia”, đại diện bảo tàng chia sẻ./.