"Dị nhân" thiết bút giữa phố Hà Thành

(PLO) - Ở một góc phố nhỏ giữa Hà Thành náo nhiệt, có một ông lão hàng ngày miệt mài biến con chữ thành những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật trên những quả chuông đồng. Gần 40 năm làm công việc lặng thầm mà tài hoa đó, ông Nguyễn Đăng Hiển (SN 1946, ngụ phố Hàng Vải, Hà Nội) vẫn được nhiều người tôn là “Thiết bút gia” (người viết chữ bằng bút sắt). 
"Dị nhân" thiết bút giữa phố Hà Thành
Kết hợp tinh hoa
Căn nhà rộng chưa đến 20m2 của ông Hiển được trang trí bằng những hoành phi, câu đối, những chiếc khánh bằng đồng có khắc những bài kệ, bài minh với nét chữ tinh xảo. Giữa không gian đó, ông Hiển kể về duyên nghiệp đến với nghề khắc chữ của mình. 
Sinh ra trong một gia đình nho học ở Hà Nội, lại có nghề đúc đồng, ngay từ nhỏ, cậu bé Hiển đã học chữ Hán Nôm từ ông nội cùng với nghề đúc đồng từ bố. Cậu bé hồi đó ban ngày cầm dùi đục học chạm khắc, đến tối lại nghiên bút luyện chữ.
Khi cảm thụ được tinh hoa của nghệ thuật chạm đồng, cũng là lúc tỏ tường đôi chút về Kinh Thi, Kinh Dịch. Tuy nhiên, thời điểm đó, cậu bé Hiển vẫn coi nghề chạm đồng của cha và vốn Hán học của ông nội là hai chuyện không liên quan với nhau. 
Đến khi trưởng thành, nhiều thời gian thăm quan nhiều đền chùa miếu mạo, ông Hiển bắt gặp những bài minh, bài ký trên những quả chuông, chiếc khánh. Bị mê hoặc bởi những áng hùng văn, những nét chạm của các bậc đại bút, ông Hiển chợt nghĩ: “Tại sao mình không kết hợp hai thứ sẵn có trong tay để học nghề chạm chữ trên đồng”?
Thời gian đó, ông hay lui tới nhà một nghệ nhân đúc chuông đồng nổi tiếng gần nhà. Khi nghệ nhân đó nói muốn tìm người khắc chữ Hán trên chuông, ông “đánh bạo” xin khắc thử. Những chữ khắc của ông như phượng múa, rồng bay khiến người đúc chuông rất đỗi hài lòng. Vậy là cái nghiệp “thiết bút” gắn với ông từ đó.
Theo nghiệp khắc chữ, ông Hiển tâm đắc câu “Phi nhẫn bất thành nhân”. Nghề khắc chữ trên chuông đồng vô cùng vất vả, không phải ai cũng theo được. Nó đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cùng một tâm hồn tinh tế mới có thể khắc được những nét chữ có hồn. 
Người viết chữ trên đồng vừa phải tinh thông Hán học, vừa giỏi chạm đồng. Giỏi nghề chạm đồng để biết góc khắc chữ phù hợp với từng chất đồng mềm hay rắn. Tinh thông Hán học để “khắc” làm sao mà như đang viết trên giấy, phải biết viết chữ Tiểu khải (loại chữ nhỏ 2cm). Những nét khắc phải có độ nông, sâu, rộng, hẹp phù hợp để người nhìn vào thấy được cái đẹp mềm mại, uyển chuyển của cây liễu, cái rắn rỏi của cây tùng, cây bách, cái thâm thúy của chữ thánh hiền. Hơi quá tay một chút, chữ có thể sai nghĩa.
Viết trên đồng không thể viết lại nên người sử dụng “thiết bút”, là những con dao, cái chạm, phải thật sự điêu luyện, thành thục. Để giữ cho nét bút sắc mà không phô, nhát búa vừa độ, người thợ cần hội tụ sức khỏe tốt, tinh thần vững mới có thể “viết” được chữ lên mặt chuông. 
Ông Hiển bên một chiếc chuông mình khắc chữ
 Ông Hiển bên một chiếc chuông mình khắc chữ
Đến nay, dù đã gần 70 tuổi, nét chữ của ông Hiển vẫn rất đẹp, những đường khắc chuẩn xác và có hồn. Ông bảo, khi đôi bàn tay quen việc, quen nghề nện búa đều thoăn thoắt, người thợ khắc chữ sẽ như người họa sĩ, biến dùi, đục thành chiếc bút lông vẽ nên những tác phẩm chữ độc đáo: “Viết trên đồng cũng phải nhẹ nhàng, uyển chuyển như viết trên giấy”.
Vừa làm thợ, vừa làm thầy
Bốn mươi năm trong nghề, gần 5000 quả chuông lớn, nhỏ đã qua tay ông Hiển chạm khắc. Ông lão đã đi dọc chiều dài đất nước để khắc chữ. Hễ đâu đúc chuông, người ta lại tìm đến ông để chạm những bài minh, bài kệ. Ngoài vật liệu chính là đồng, ông Hiển còn khắc chữ trên thần phả, đỉnh thờ, tứ linh, tượng đồng… Yêu nghề, ông Hiển chẳng ngại ngần đi xa dù cho tiền công chỉ 1- 2 trăm nghìn/ngày. Với ông, sống trên đời được làm những điều mình thích, mà cái tâm thanh thản là đủ thấy hạnh phúc. 
Công việc vất vả, suốt ngày tất bật nhưng người ta vẫn thấy ông ung dung, thanh thản. Dù đã thông thạo chữ Hán Nôm, ông lão thất thập ấy vẫn học ngày học đêm, tìm tòi thêm tài liệu để nguyên cứu sâu hơn về Hán học. Với ông “học để hơn ngày hôm qua”. 
Gọi ông là người thợ cũng được, là thầy đồ cũng chẳng sai. Ngoài khắc chữ, ông còn dạy học chữ Hán Nôm. Lớp học của ông có gần 30 người, đủ các độ tuổi, nghề nghiệp từ học sinh, sinh viên, bác sĩ hay người dân lao động. Một tuần, ông có hơn chục buổi dạy. Ông thường “thửa” giáo án riêng phù hợp với từng nội dung học. 
Ví như, để học trò học được chữ "Hiếu" một cách nhanh nhất, ông liền nghĩ ra câu đố bằng thơ: "Chữ gì đất ở trên cao/ Con đứng cắm sào đội ở dưới lên". Trong Hán văn, chữ "hiếu" được ghép từ chữ "thổ" ở trên và chữ "tử" ở dưới. Học trò nghe thầy giảng đều mê tít. 
Với ông, tất cả tiếng cười, sự thú vị mà ông tạo ra trong các buổi lên lớp  nhằm một mục đích: rèn chữ - rèn người. Người xưa quan niệm "văn dĩ tải đạo", ông đặt việc rèn nhân cách cho học trò còn cao hơn cả việc dạy chữ. Dù là lớp học Hán Nôm của thời hiện đại, nhưng đến lớp, việc bắt buộc với các môn sinh là lễ nhập môn, chuẩn bị nghiên, bút, mực tàu. Học trò mài mực, học viết bút lông như thủa xưa. 
Khi nhiều người thắc mắc tại sao nhất thiết phải theo nếp xưa, ông từ tốn giải thích “Muốn học chữ, trước hết là học làm người. Làm lễ nhập môn, dù thủ tục đơn giản, cũng để học trò hiểu truyền thống tôn sư, trọng đạo. Còn mài mực để rèn tính kiên trì, đồng thời bảo tồn một nét văn hóa xưa của cha ông”.
Tự viết, tự khắc chữ Hán, có lẽ, đất Hà Thành chỉ có mỗi ông. Nghề không “hút” người làm bởi nó đòi hỏi lắm công phu, cực nhọc mà hiệu quả kinh tế không cao. Nhiều người yêu chữ Hán Nôm nhưng để theo nghề “thiết bút”, đều không khỏi e ngại. “Ngay cả 5 đứa con tôi cũng chẳng ai theo nghề khắc chữ. Tôi sợ nét đẹp văn hóa này sẽ bị mai một và mất đi”, ông trầm buồn.
Hiện nay, những người đúc chuông, nếu có khắc chữ đều khắc theo mẫu được viết sẵn, nét chữ ấy thô cứng, dập khuôn, ít có hồn. Dù “một mình một chợ”, chẳng lo sợ ai cạnh tranh, người thợ già vẫn buồn nhiều hơn vui. Ông ước ao có thể truyền nghề cho ai đó để gìn giữ cái đẹp, sự sâu sắc của văn hóa cổ truyền của dân tộc trong từng chiếc chuông đồng: “Ai muốn học và có cái tâm, tôi sẽ truyền thụ tất cả, không bao giờ giấu nghề”.
Trong quan niệm Phật giáo, chuông đồng là một pháp bảo, pháp khí linh thiêng có sức lan tỏa rất lớn đến đời sống tâm linh. Tiếng chuông chùa theo kinh điển, có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sinh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được giải thoát. Tiếng chuông ngân nga như nhắc nhở mọi người sống nội tâm thanh tịnh, hạnh phúc sẽ tới. Chuông đồng còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngoài phần trang trí những hoa văn họa tiết, chữ Hán ghi lại bài minh, lời chú nguyện... được bài trí thẩm mĩ ở quanh thành chuông. Chính vì sự thiêng liêng của chuông đồng, người khắc chữ không được sai sót dù chỉ một li. Chỉ cần sai sót một chi tiết nhỏ là quả chuông đồng nặng hàng tấn coi như đã bỏ đi. Đây là áp lực lớn đòi hỏi người thợ phải đạt trình độ cao khi khắc chữ. 

Đọc thêm