“Bức tranh” nghệ thuật có ý nghĩa về lực lượng vũ trang và chiến tranh Cách mạng

(PLO) - Sau 10 ngày thi diễn sôi nổi, với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và thăng hoa, sự nỗ lực, cố gắng, ý thức trách nhiệm cao “Đoàn kết - sáng tạo - cống hiến”, Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018 đã thành công tốt đẹp, trở thành một sự kiện văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa thiết thực tại Thủ đô Hà Nội.
Một tiết mục của Đoàn văn công Quân chủng Hải quân về đề tài biển đảo

Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 2018 đã khép lại với nhiều dư âm. Với mục tiêu tạo nên một “bức tranh” nghệ thuật có ý nghĩa về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh Cách mạng; tôn vinh, ngợi ca hình tượng và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp phần bảo tồn, phát triển giá trị và bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội diễn đã mang đến cho khán giả cái nhìn tổng quan về hoạt động văn hóa của những người nghệ sĩ mặc áo lính. 

Với các thể loại bao gồm ca, múa, nhạc và sân khấu mang âm hưởng dân gian và đương đại, Hội diễn là nơi hội tụ những nét văn hóa nghệ thuật dân tộc độc đáo được tái hiện và phát triển; nơi hình tượng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được tôn vinh qua 12 chương trình, tiết mục nghệ thuật; 4 vở diễn sân khấu đặc sắc; nơi hơn 1.000 nam nữ nghệ sĩ, diễn viên, những tinh hoa nghệ thuật của Quân đội nhân dân Việt Nam từ mọi miền Tổ quốc được tỏa sáng, viết tiếp những bản hùng ca bất diệt. 

Đặc biệt, Hội diễn là nơi hơn 15 nghìn khán giả đã có mặt tại Nhà hát Quân đội, các điểm công diễn trên địa bàn Hà Nội được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc. Hàng năm, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong toàn quân đã tổ chức hơn 1.300 buổi biểu diễn, phục vụ lực lượng vũ trang và nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, phục vụ kiều bào và các hoạt động đối ngoại, các sự kiện lịch sử, các ngày lễ lớn của đất nước.

Các tiết mục có sự hiện diện của một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ, tài năng. Dấu ấn đầu tiên trong Hội diễn lần này là bộ môn múa có sự phát triển đột biến. Ngoài việc có mặt trong 24 tiết mục hát múa, có 31 tiết mục múa độc lập chủ yếu là múa đương đại với ý tưởng sáng tạo mới lạ, độc đáo, khỏe khoắn, hấp dẫn, thể hiện trình độ vũ đạo của các nghệ sĩ có tiến bộ rõ rệt. Tiết mục múa “Lập trình truy kích” để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Về thanh nhạc, có 87 tác phẩm được dàn dựng theo nhiều hình thức: Đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp ca, Acabella (không nhạc đệm)... 

Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội thể hiện đẳng cấp qua 14 tiết mục mở màn Hội diễn. Các ca sĩ trẻ của Nhà hát đã thể hiện thành công những tác phẩm mới lần đầu công bố, mang âm hưởng của âm nhạc dân gian Việt Nam, chẳng hạn như âm hưởng ca trù qua ca khúc “Tình non nước” (lời thơ Tản Đà, nhạc Huỳnh Tú) do ca sĩ Hồng Duyên thể hiện...

Điều đáng tiếc là các vở chèo của Nhà hát Chèo Quân đội dù được Giám đốc Nhà hát tuyên bố là “đậm chất chèo, bảo tồn các giá trị truyền thống của chèo”, nhưng vở “Rặng trâm bầu” (Đạo diễn: NSND Nguyễn Quốc Trượng) thực chất là “kịch cắm hát” với phần hát trong chèo gồm có chèo, cải lương, dân ca, hò vè.   

Định hướng góp phần bảo tồn, phát triển giá trị và bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, trong phát biểu tổng kết Hội diễn, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong thời gian tới đề nghị cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần quan tâm hơn nữa đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm mục tiêu về văn hóa, văn nghệ của Đảng, của Quân uỷ Trung ương- Bộ Quốc phòng, tiếp tục xây dựng Nhà hát, các đoàn văn công quân đội với tính “Cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại và tinh gọn” ngày càng cao, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất của người nghệ sĩ-chiến sĩ. 

Phát huy những tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nghệ thuật thế giới và trong khu vực; động viên và phát huy tài năng, sự cống hiến, lao động sáng tạo của cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên để tiếp tục sáng tạo nên những chương trình, vở diễn có giá trị về tư tưởng, tính nghệ thuật cao, phục vụ bộ đội và nhân dân, trực tiếp góp phần vào việc hình thành, phát triển nhân cách cán bộ, chiến sĩ theo chuẩn mực con người Việt Nam mới, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới. 

Giải Đặc biệt xuất sắc được Ban Tổ chức trao cho Chương trình “Lời ca nâng bước quân hành” của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội; Huy chương Vàng cho các chương trình của Đoàn Văn công các đơn vị: Quân khu 1, Quân khu 9, Quân khu 3, Quân khu 4, Đoàn diễn 1 Nhà hát Kịch nói Quân đội vở “Đứa con đồng đội”, Đoàn diễn 1 Nhà hát Chèo Quân đội vở “Những người mẹ”; Giải Xuất sắc về đề tài biển đảo cho Đoàn Văn công Quân chủng Hải quân; Giải Xuất sắc về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh Cách mạng gồm: Đoàn diễn 2 Nhà hát Chèo Quân đội vở “Rặng trâm bầu”, Đoàn diễn 1 Nhà hát Kịch nói Quân đội vở “Ký ức lửa”; Huy chương Bạc cho chương trình của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng và Đoàn Văn công Quân khu 2; 4 Bằng khen và Cúp cho các chương trình ca múa nhạc có chất lượng tốt; 49 Huy chương Vàng cho các tiết mục, vai diễn xuất sắc; 11 tác phẩm hành khúc có chất lượng tốt; 9 tác phẩm xuất sắc về chủ đề Học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Tình đoàn kết hữu nghị quốc tế - Tác giả có tác phẩm hành khúc mới đạt chất lượng và các giải phụ khác… 

Đọc thêm