Bức tranh phản văn hóa từ... các nhà văn hóa

Nhà văn hóa thường ở những vị trí “đất vàng”, được đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng và mua sắm thiết bị, nhưng không ít công trình đang lay lắt tồn tại, cửa đóng then cài hoặc sử dụng sai mục đích, trong khi người dân ở nhiều khu phố, tổ dân cư vẫn thiếu những địa chỉ sinh hoạt cộng đồng. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm?.

Do chạy theo thành tích, để đạt tiêu chuẩn “xã văn hóa”, hàng loạt nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng tiêu tốn tiền tỉ nhưng hoạt động không hiệu quả, nhiều nơi còn bỏ hoang, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước.

Nhà văn hóa xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) bị xuống cấp, bỏ hoang từ nhiều năm nay, thường được dùng làm nơi phơi lúa -
Nhà văn hóa xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) bị xuống cấp, bỏ hoang từ nhiều năm nay, thường được dùng làm nơi phơi lúa.

Đua … nhà văn hóa để “lên” danh hiệu

Đối với cấp xã, trong nhiều năm nay, những người quản lý và hoạt động văn hóa luôn trăn trở về nhà văn hóa. Nỗi băn khăn này không phải là không có lý do khi trị giá của mỗi nhà văn hóa như hiện nay cũng trên dưới tỷ đồng, song đóng cửa nhiều hơn mở, xuống cấp nghiêm trọng…..

Nhếch nhác, cũ kỹ, cửa để vào trong nhà văn hoá được khoá kín, ổ khoá cũ đến rỉ ngoèn. Mấy mảng tường bốc mùi ẩm thấp bởi rêu mốc bám đen. Những cánh cửa gỗ mục nát chất đống phía ngoài hiên càng khiến cảm giác thất vọng về sự xuống cấp của “công trình” nhà văn hoá này bị nhân lên gấp nhiều lần.  

Xuống cấp, bị “bỏ quên” cũng là thực tế tồn tại của thiết chế nhà văn hoá ở không ít nơi khác.

Nhà văn hóa của nhiều xã, phường, thị trấn không được sửa sang, trông coi tử tế; vì thế tường thì hoen ố, trần nhà thì mạng nhện chăng, có nguy cơ không an toàn. Trang thiết bị chuyên dùng cho hoạt động như âm thanh, ánh sáng, phông màn, nhạc cụ…đã quá lỗi thời lại thiếu thốn. Do vậy không ít nhà văn hóa đã chuyển sang làm nhiệm vụ chức năng khác, như là trụ sở của một cty, DN hoặc trụ sở UBND sở tại.

Nhà văn hóa thôn Vân Đình, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bị biến thành nơi tư nhân kinh doanh. Theo đó, nhà văn hóa được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009, trên diện tích khoảng 2.000m2. Công trình chính cao 3 tầng, xung quanh có bồn hoa, với 2 sân chơi rộng rãi, thoáng mát. Nhưng khánh thành được khoảng 1 năm, lãnh đạo thôn cho một hộ gia đình thuê làm nơi kinh doanh.

Theo "hợp đồng", hộ gia đình này được "khai thác toàn bộ diện tích trong và ngoài dãy nhà tầng 1" và "được ăn ở, sinh hoạt….".

Thực tế, chủ được thuê coi đây là vừa là nhà, vừa là chỗ kinh doanh của mình. Một số phòng tầng 1 và tầng 2 đã được sử dụng làm phòng ở, sảnh tầng 1 và góc sân phía ngoài là nơi chứa bát, đĩa, bàn ghế, phông bạt … Khoảng sân rộng gần 400m2 phía trong được giăng một bộ khung rạp bằng sắt phục vụ cho hiếu hỉ.

Nhà văn hóa trong tình trạng chỉ sử dụng cổng phụ, cổng chính luôn luôn "cửa đóng then cài". Tường nhà rêu mốc, kính cửa sổ bị vỡ, nền gạch bong tróc, những tấm pa-nô tuyên truyền đã cũ rách tả tơi vẫn được treo trên tầng 3…

Điều đáng nói là, người già, trẻ em không có nơi vui chơi, thể dục thể thao. Nhà ai cần có địa điểm tổ chức đám cưới, đám ma thì phải thuê lại sân nhà văn hóa với giá 500.000 - 1.000.000 đồng/lần…

Còn nhà văn hóa xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, một công trình được coi là bề thế bậc nhất của tỉnh Vĩnh Long được xây dựng năm 2002, trong khuôn viên 2.000 m2, với số tiền 1,2 tỷ đồng. Nằm cạnh Quốc lộ 54, công trình này có đầy đủ các phòng chức năng như: Hội trường, phòng đọc sách, phòng truyền thống, phòng truyền thanh… với đầy đủ các trang, thiết bị để hoạt động.

Thế nhưng, từ khi khánh thành tới nay, nhà văn hóa này chỉ hoạt động cầm chừng và rơi vào tình trạng “cửa đóng, then cài”.

Nhà văn hóa xã Thành Lợi, huyện Bình Tân cũng cùng chung số phận khi được xây dựng từ năm 2000 với số tiền ngót nghét một tỷ đồng nhưng cũng chỉ hoạt động được vài buổi rồi đóng cửa. Đến năm 2008, Nhà văn hóa mới được chuyển giao cho đơn vị khác sử dụng.

Theo con số thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, tỉnh có khoảng 35 nhà văn hóa cấp xã, số nhà văn hóa hiện còn hoạt động chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều đang trong tình trạng “mạng nhện chăng tơ”, hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.

Tiền tỷ bị... xếp xó

Tình trạng trì trệ, hoạt động cầm chừng của các nhà văn hóa không chỉ riêng ở Vĩnh Long mà rất phổ biến ở các tỉnh, thành khác trong khu vực. Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, thành phố này có khoảng 40% nhà văn hóa xã, phường không hoạt động hoặc hoạt động không thường xuyên.

"Ngó" bên tỉnh bạn, “An Giang từng được xem là một trong những địa phương có phong trào xây dựng nhà văn hóa xã, phường phát triển khá mạnh ở ĐBSCL. Nhưng hiện tại toàn tỉnh có 67 nhà văn hóa, thì có đến một phần ba hoạt động không hiệu quả, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng chưa thu hút được người dân vào tham gia sinh hoạt”.

Một lãnh đạo tỉnh cho hay: Trước đây, do tỉnh có quy định xã nào muốn được công nhận danh hiệu xã văn hóa thì bắt buộc phải có nhà văn hóa nên các xã đua nhau xây dựng theo phong trào. Do xây vội nên nhiều nhà văn hóa đặt ở những vị trí không phù hợp khiến cho việc thu hút người dân tham gia hoạt động, sinh hoạt văn hóa, thể thao gặp khó khăn. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn quản lý, tổ chức hoạt động nhà văn hóa vừa thiếu vừa yếu, càng khiến nhà văn hóa… ngắc ngoải hoạt động.

Do chạy theo thành tích, để đạt tiêu chuẩn “xã văn hóa”, hàng loạt nhà văn hóa xã được đầu tư xây dựng tiêu tốn tiền tỉ nhưng hoạt động không hiệu quả, nhiều nơi còn bỏ hoang, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Theo tính toán, trung bình kinh phí xây dựng mỗi nhà văn hóa xã khoảng từ 500-600 triệu đồng, con số này nhân lên với hàng trăm nhà văn hóa bỏ không thì lãng phí số tiền tỉ rất lớn.

Tại cuộc hội thảo do Bộ Văn hóa- thể thao và du lịch tổ chức cách đây không lâu về xây dựng chính sách cấp bách trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình, thực trạng hoạt động thiếu hiệu quả của các thiết chế nhà văn hóa ở nhiều nơi đã được đề cập như một trong những nội dung cần khẩn trương tìm được giải pháp khắc phục. Cũng không khó hiểu khi có những ý kiến đặt vấn đề, liệu thực sự có cần thiết phải xây dựng dàn trải nhà văn hoá trên mọi địa bàn, trong khi tính hiệu quả của hệ thống này ở nhiều nơi không được như mong đợi?

Nhà văn hóa thường ở những vị trí “đất vàng”, được đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng và mua sắm thiết bị, nhưng không ít công trình đang lay lắt tồn tại, cửa đóng then cài hoặc sử dụng sai mục đích, trong khi người dân ở nhiều khu phố, tổ dân cư vẫn thiếu những địa chỉ sinh hoạt cộng đồng. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm?.

Bảo Châu

Đọc thêm