Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được sắp xếp, đổi mới theo hướng thu hẹp dần, giảm bớt nhiều vị trí không cần thiết đến sự hiện diện DNNN, kể cả về diện hoạt động (phạm vi ngành, lĩnh vực) và mật độ hiện diện; đã làm tăng hiệu quả huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN trong tình hình mới.
Theo Công văn 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng thì kế hoạch cổ phần hóa (CPH) giai đoạn 2017 – 2020 là 128 DN; lũy kế giai đoạn 2016 – 2020, đã có 180 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.
Trong 180 DN đã CPH, chỉ có 39/128 DN CPH thuộc danh mục CPH các văn bản nói trên của Thủ tướng (đạt 30% kế hoạch). Trong đó, tổng giá trị dự kiến bán cho các đối tượng (nhà đầu tư chiến lược, cán bộ, công nhân viên, tổ chức công đoàn, bán đấu giá công khai) 98.748 tỷ đồng (tương đương 48% giá trị phần vốn nhà nước tại DN); tổng giá trị thực tế bán được 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch dự kiến bán, tương đương 11% giá trị phần vốn nhà nước tại DN); tổng giá trị thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp & phát triển DN từ công tác CPH 36.518 tỷ đồng (đạt 1,6 lần so với giá bán).
Số DN chưa hoàn thành CPH trong năm 2020 là 89; những đơn vị còn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH trong năm 2020 là: Hà Nội CPH 13 DN (4 TCty), chiếm 14% kế hoạch; TP HCM CPH 38 DN (11 TCty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 TCty); Bộ Công Thương CPH 2 DN (1 TCty); Bộ Xây dựng CPH 2 TCty.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.
Báo cáo cho thấy, định kỳ hàng năm, Chính phủ có báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện xử lý với 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương (Đề án 1468).
Sau hơn 3 năm thực hiện Đề án 1468, một số dự án, DN đã có những chuyển biến nhất định: Có 1 dự án, DN có lãi và được đưa ra khỏi danh sách theo dõi của Ban Chỉ đạo (BCĐ); 6 dự án, DN duy trì vận hành sản xuất, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng vẫn lỗ lũy kế lớn; có 2 trên tổng số 7 dự án, DN có tranh chấp vướng mắc EPC đã được giải quyết.
Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn, tồn tại như: 6 dự án, DN duy trì vận hành sản xuất nêu trên vẫn còn lỗ lũy kế rất lớn, thậm chí có dự án đứng trên bờ vực phá sản (do chi phí tài chính quá lớn); có 5 dự án dừng hoạt động, hoặc đầu tư dở dang, 5 dự án, DN có tranh chấp, vướng mắc EPC mặc dù đã đàm phán nhiều lần với đối tác nhưng vẫn chưa thành công.
Ngày 24/12/2020, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 3554/VPCP-KHTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng BCĐ về việc đồng ý đưa ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của BCĐ theo Quyết định 1468 với 3 dự án: Nhà máy DAP-I Hải Phòng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước.