Bức xúc chuyện quản lý lễ hội

(PLO) - Sự việc trâu số 18 bất ngờ húc chủ trâu đối thủ, rồi sau đó lại bất ngờ quay lại húc chính chủ mình tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 vừa diễn ra đã làm “nóng” lại  những lo ngại về sự biến tướng, phản cảm, nguy hiểm trong các lễ hội trên cả nước.
Lễ hội Đền Thượng được tổ chức hàng năm thu hút rất đông du khách đến tham dự. (Ảnh: baolaocai.vn)
Lễ hội Đền Thượng được tổ chức hàng năm thu hút rất đông du khách đến tham dự. (Ảnh: baolaocai.vn)

Tại phiên chất vấn ở Kỳ họp thứ 3 Quốc hội (QH) khóa XIV, mặc dù Bộ trưởng VHTT&DL đã khẳng định “các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm”, song một số ĐBQH vẫn chất vấn những trách nhiệm của Bộ trưởng và ngành VHTT&DL trong việc để lễ hội vẫn là “vấn đề gây nhiều tranh luận và bức xúc trong xã hội”.

Lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa 

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội, gồm: Lễ hội dân gian có hơn 7.000 lễ hội, chiếm 88,36%; Lễ hội lịch sử, cách mạng có 332 lễ hội, chiếm 4,16%; Lễ hội văn hóa, thể thao, du lịch có 40 lễ hội, bằng 0,5%. Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam: có 11 lễ hội, bằng 0,12%. Bên cạnh đó, còn có loại hình Lễ hội tín ngưỡng được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.

Thời gian qua, trước phản ứng của dư luận về một số lễ hội có nhiều yếu tố phản cảm, bạo lực, lãng phí, một số địa phương đã vận động, thuyết phục và không cấp phép cho những lễ hội có nghi thức mang yếu tố bạo lực, phản cảm. Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Tuy nhiên, “việc tổ chức lễ hội nghiêng về lợi ích kinh tế, do đó ý nghĩa văn hóa tinh thần mờ nhạt” khiến nhiều lễ hội, cả truyền thống và hiện đại không phát huy được ý nghĩa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng thừa nhận không ít lễ hội do nặng về hình thứ, có biểu hiện lãng phí.

Còn xuất hiện hiện tượng thương mại hóa trong hoạt động dịch vụ lễ hội... làm giảm đi tính tôn nghiêm, giá trị truyền thống và những nét đẹp văn hóa trong hoạt động lễ hội. Một số nơi tổ chức những ngày kỷ niệm của địa phương, ngày truyền thống của ngành... còn có biểu hiện phô trương, lãng phí nặng về hình thức, chưa khai thác hết tiềm năng sáng tạo văn hóa của nhân dân và vốn truyền thống văn hóa dân gian vốn có ở địa phương.

Theo ngành VHTT&DL, nguyên nhân gây ra tình trạng lộn xộn, “trá hình” lễ hội, lợi dụng các hoạt động văn hóa, lễ hội để thu lợi... là do nhận thức và “thái độ ứng xử”, quan tâm đến lễ hội chưa đúng đắn. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lễ hội chưa theo kịp tình hình thực tiễn, cùng với đó ý thức của một số bộ phận người dân phần nào có sự thái quá về niềm tin vào tín ngưỡng, với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc... dẫn đến tình trạng lượng du khách quá tải ở hầu hết các lễ hội lớn.

Giá trị về lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa dẫn đến tình trạng chú trọng các hoạt động thương mại sinh lời, ít chú trọng tới việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. 

Trong khi đó, thực tế hoạt động quản lý lễ hội hiện nay có nhiều văn bản điều chỉnh, tuy nhiên phần nhiều vẫn là văn bản chỉ đạo, chưa được luật hóa, việc áp dụng trong thực tế rất khó khăn, bất cập. Một số văn bản pháp luật có tính pháp lý cao đã có quy định đối với quản hoạt động này, nhưng còn rất sơ sài, thiếu chi tiết, toàn diện và chưa phù hợp thực tế phát triển mạnh mẽ các loại hình lễ hội. Văn bản có tính áp dụng thường xuyên nhất mới chỉ dừng lại ở hình thức Thông tư của Bộ. 

Dù Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã liệt kê rất nhiều nguyên nhân song ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lại đánh giá, nguyên nhân chính là các giải pháp đưa ra trong thời gian qua nhằm chấn chỉnh những hành vi phản cảm làm ảnh hưởng đến ý nghĩa các lễ hội trên thực tế dường như không mang lại hiệu quả, dư luận xã hội rất bức xúc.

Bên cạnh đó, tình trạng lễ hội tràn lan, thiếu kiểm soát và lãng phí, “mạnh địa phương nào, địa phương đó tổ chức”, một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng lợi dụng để thu tiền trái phép... theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì “có thể nói đó là buông lỏng quản lý”. Và bức xúc trước việc “Hàng năm có quá nhiều lễ hội diễn ra và tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để cầu lợi gia tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội”, ĐBQH Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) đặt câu hỏi về sự “dễ dãi trong việc cho phép và quản lý lễ hội” của ngành VHTT&DL.

Lắng nghe tiếng nói cộng đồng...

Các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ hai không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ;

Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; Lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu;

90 làng Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam bỏ tục đâm trâu; Lễ hội đền Trần Thái Bình không tổ chức lễ phát ấn như mùa lễ hội trước... 

Giải pháp hàng đầu được ngành VHTT&DL xác định nhằm tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt công tác nhà nước về lễ hội là hoàn thiện thể chế với việc tham mưu xây dựng văn bản pháp luật có tính pháp lý cao hơn, điều chỉnh riêng về hoạt động lễ hội.

Bộ trưởng cho biết, trong năm 2017 Bộ sẽ tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, theo hướng: Phân định trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc quản lý nhà nước về lễ hội; Đưa ra những quy định đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; Phân cấp quản lý đối với các loại hình lễ hội.

Ở góc độ quản lý thực tiễn, Bộ sẽ phối hợp với các ban, bộ, ngành trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các cấp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong tổ chức lễ hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. 

Ngoài ra sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học để xây dựng các chính sách quản lý sát hợp với thực tiễn, kết hợp với tuyên truyền, vận động, để xử lý tốt các vấn đề phát sinh như thời gian qua, Bộ VHTTDL đã áp dụng, chỉ đạo, vận động thay đổi các nghi thức không còn phù hợp, gây phản cảm tại một số lễ hội, như: nghi thức chém lợn (Bắc Ninh), nghi thức đập đầu trâu (Phú Thọ), nạn đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), vấn đề phát ấn tại các lễ hội.

Tăng cường phối hợp giữa nhà nghiên cứu với nhà quản lý trong công tác lễ hội. Đặc biệt, lắng nghe tiếng nói cộng đồng, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng cư dân sở tại để lễ hội ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, người dân.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, bên cạnh những mặt đạt được thì việc quản lý lễ hội còn tình trạng buông lỏng dẫn đến bị lợi dụng để trục lợi gây phản cảm, lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, Bộ trưởng cần “tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp để khắc phục, trong đó tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động tổ chức lễ hội. Sớm tham mưu trình Chính phủ ban hành văn bản về quản lý và tổ chức lễ hội, nghi thức, nghi lễ tổ chức hội nghị ngay trong năm 2017”.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện 

“Để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong tổ chức lễ hội hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt công tác nhà nước về lễ hội mà nhiệm vụ quan trọng là xây dựng nghị định quản lý về lễ hội. Các địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý lễ hội, các ban quản lý lễ hội cũng phải làm tốt hơn trách nhiệm của mình, những người dân tham gia lễ hội cũng có ý thức hơn khi tham gia lễ hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nguồn gốc, giá trị của lễ hội, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Hiện nay có hơn 8.000 lễ hội, chủ yếu là lễ hội dân gian, khoảng 88%. Có một số lễ hội sau này như lễ hội VHTT&DL, quảng bá xúc tiến thương mại thể thao và du lịch, rồi một số lễ hội nước ngoài nhưng chủ yếu là lễ hội dân gian. Song sắp tới Chính phủ sẽ ban hành một nghị định quy định về quy hoạch lễ hội, tần xuất tổ chức lễ hội... để không còn tình trạng lễ hội tràn lan như đánh giá của ĐBQH.

Đối với những lễ hội bị đánh giá có yếu tố phản cảm, bạo lực, thời gian qua, chính quyền các địa phương đã vào cuộc và đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, đặc biệt đối với cộng đồng tổ chức lễ hội để họ cùng thống nhất bỏ các hình thức phản cảm, nhằm hạn chế và giảm bớt những nội dung “không đẹp” trong các lễ hội”.