Chủ trâu bị trâu húc đã tử vong
18h30 ngày 1/7, ông Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) qua đời sau 6 giờ cấp cứu tại bệnh viện. Tai nạn xảy ra trưa 1/7 tại vòng loại Hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 khi trâu số 18 (của ông Hướng) bất ngờ quay lại rượt đuổi chính chủ mình. Ông Hướng không kịp phản ứng, bị cặp sừng trâu sắc nhọn xuyên trúng đùi trái, ngực phải và sau gáy. Theo lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn thì “Việc chủ trâu bị trâu chọi của chính mình húc tử vong trên sới chọi như trường hợp ông Đinh Xuân Hướng chưa từng xảy ra từ thời thượng cổ đến nay. Đây là sự việc hy hữu, đáng tiếc”.
Trên thế giới việc con người tử vong vì các lễ hội chọi động vật là không hiếm. Mới đây nhất, tháng 4/2017, hơn 10.000 khán giả tại trường đấu bò Las Ventas (Tây Ban Nha) vừa chứng kiến tai nạn kinh hoàng: con bò tót hung hăng húc liên tiếp vào mặt và cổ đấu sĩ Daniel García Navarrete (23 tuổi), đâm xuyên lưỡi, miệng và cổ họng người này. Đến bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ xác định Navarrete bị húc ở 4 chỗ, 2 lần xuyên thủng cổ và 2 lần xuyên qua hàm nạn nhân. Anh cũng bị gãy xương đòn và gặp chấn thương nặng ở các cơ. Môn đấu bò tót là một trò biểu diễn truyền thống của đất nước Tây Ban Nha, xuất hiện từ thời La Mã cổ đại. Cho đến hiện nay vẫn chưa có con số chính thức nào thống kê bao nhiều người đã gặp chấn thương khi tham gia đấu bò, mặc dù rất nhiều vụ tai nạn thương tâm cũng đã được ghi nhận. Đấu bò tót là màn trình diễn truyền thống không chỉ diễn ra ở Tây Ban Nha, mà còn ở Bồ Đào Nha, miền nam Pháp và một vài nước như Mexico, Colombia, Ecuador, Venezuala, Peru…
“Có nên dừng các lễ hội chọi động vật vì tính nguy hiểm và dã man của nó?” – là câu hỏi đã được đặt ra không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Ngày 10/9/2016 hàng nghìn người Tây Ban Nha đã tuần hành ở thủ đô Madrid, yêu cầu giới chức cầm quyền chấm dứt lễ hội đấu bò tót vì họ cho rằng, dù cho đó là con vật, chúng cũng không đáng bị ngược đãi, phải chịu sự đau đớn từ các vết thương do con người gây ra. Đó là chưa kể rất nhiều vụ khán giả kinh hoàng chứng kiến cái chết của đấu sĩ ngay trên đấu trường như vụ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, trong nội bộ Hoàng gia Tây Ban Nha vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều về vấn đề cấm hay không cấm lễ hội này.
Năm 1991, quần đảo Canary là khu vực tự trị đầu tiên của Tây Ban Nha cấm đấu bò tót và các hoạt động liên quan tới bạo hành động vật, ngoại trừ chọi gà. Khu vực tự trị Catalonia ở Tây Ban Nha cấm đấu bò từ sau phong trào biểu tình của một nhóm bảo vệ quyền động vật. Chính quyền khu tự trị này thông qua luật cấm đấu bò tót vào tháng 6/2010 và bắt đất có hiệu lực từ năm 2012. Bồ Đào Nha đã cấm giết bò ở đấu trường, nên những con bò tót sau khi tham gia được đưa về để giết mổ theo đúng quy trình hoặc được chữa trị và thả ra đồng của người chủ…
Có nên tồn tại lâu dài?
Quay lại với Việt Nam, sau sự cố trâu chọi húc chết người, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có công văn yêu cầu Hải Phòng rà soát, có thể dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. “Nếu công tác chuẩn bị cho lễ hội chưa đảm bảo an toàn theo quy định phải báo cáo UBND thành phố Hải Phòng cho tạm dừng Lễ hội chọi trâu 2017” - công văn nêu rõ.
Điều đáng nói là Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được Bộ Văn hóa xếp vào nhóm “lễ hội lớn của cả nước”. Theo truyền thống, chung kết Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sẽ được tổ chức vào ngày mùng 9/8 âm lịch, tức là ngày 28/9 năm nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây có dư luận rằng, chủ trâu trong quá trình nuôi và trước khi đưa vào thi đấu được chủ trâu cho uống chất kích thích nên rất hung dữ và chủ trâu thường dùng mảnh sành vót ngọn sừng để trâu diệt trâu đối phương khi chọi. Trao đổi với báo chí về hai nghi vấn này, ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn khẳng định không có việc chủ trâu cho trâu uống chất kích thích, nhiều năm qua Ban tổ chức đều nghiêm cấm và chưa phát hiện trường hợp nào. Còn việc chủ trâu dùng mảnh sành vót ngọn sừng để trâu diệt đối phương, Chủ tịch quận Đồ Sơn thừa nhận là có và sẽ tìm biện pháp ngăn cấm.
Mặt khác, theo Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTT&DL đến nay chỉ Đồ Sơn (Hải Phòng) mới có lễ hội chọi trâu truyền thống, nhưng thời gian gần đây nhiều nơi đã đua nhau tổ chức lễ hội chọi trâu. Cục trưởng Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy cho biết, các hội chọi trâu ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Sơn (Bắc Ninh) và Bảo Thắng (Lào Cai) tổ chức 2-3 năm qua không phải là lễ hội truyền thống của địa phương. Các hội, lễ hội này không gắn với việc tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc hay mang tính nhân văn, ngược lại còn có tính thương mại, mang lại lợi ích cho nhà tổ chức khi tổ chức bán vé, trâu chọi xong thường bị thịt bán với giá đắt. Các hoạt động cá cược, cờ bạc... cũng trá hình tồn tại. “Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định không được lợi dụng lễ hội để trục lợi”, bà Thủy nói. Vì thế từ giữa năm 2015, Cục Văn hóa cơ sở đã gửi công văn đến các địa phương nêu trên, yêu cầu giám sát chặt chẽ công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Tại hội nghị bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, Bộ trưởng VHTT&DL cũng đã yêu cầu không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu nếu không phải là truyền thống của địa phương.
Dù rằng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được Bộ Văn hóa xếp vào nhóm “lễ hội lớn của cả nước” cũng như môn đấu bò tót là một trò biểu diễn truyền thống của đất nước Tây Ban Nha, xuất hiện từ thời La mã cổ đại, nhưng thiết nghĩ có những điều tưởng như rất truyền thống nhưng theo lịch sử phát triển của nhân loại, sẽ không phải là thứ bất biến. Nhất là khi đó lại là một thú vui không có nhân văn thì không có cớ gì tồn tại mãi trong một xã hội ngày càng nhân văn và văn minh hơn.
Dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, kiểm tra chất kích thích tồn dư trong trâu số 18
Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng Nguyễn Kim Pha đã ký công văn hỏa tốc gửi Sở Văn hóa Thể Thao (VH-TT) TP Hải Phòng, UBND quận Đồ Sơn yêu cầu tạm dừng việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017.
UBND TP Hải Phòng giao Sở VH-TT kiểm tra, rà soát công tác quản lý và tổ chức vòng đấu loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017 báo cáo UBND TP; giao UBND quận Đồ Sơn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP về việc bảo đảm an toàn và các biện pháp khắc phục hậu quả xảy ra tại vòng đấu loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017; tạm dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017; kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18, các trâu khác tham gia vòng đấu loại và công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong Lễ hội.
UBND TP Hải Phòng yêu cầu Sở VH-TT, UBND quận Đồ Sơn cùng các cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo kết quả và biện pháp khắc phục hậu quả của sự việc trên về UBND thành phố trước ngày 4/7/2017 để tổng hợp, báo cáo Thường trực Thành ủy, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.
Chưa từng có tiền lệ
Sáng 1/7, tại sân vận động (SVĐ) trung tâm quận Đồ Sơn, UBND quận Đồ Sơn tổ chức vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Đây là năm thứ 28 kể từ khi lễ hội truyền thống của cư dân miền biển Đồ Sơn được khôi phục.
Trong kháp đấu 14, trâu số 18 khi đang thi đấu, bất ngờ bỏ chạy và húc chủ trâu là ông Đinh Xuân Hướng. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, ngay sau khi ông Hướng bị trâu húc trọng thương, bộ phận y tế thường trực tại lễ hội khẩn trương sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Bác sĩ Trương Minh Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt- Tiệp cho biết, trên đường cấp cứu, do người bệnh bị sốc nặng nên phải chuyển vào Viện Y học Hải quân để sơ cứu, đặt nội khí quản và thở máy. Đến 14 giờ chiều, người bệnh mới được đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp. Tại đây, các bác sĩ xác định người bệnh bị đa chấn thương, gãy xương đùi, rách niêm mạc ngực và chấn thương sọ não nặng. Người bệnh bị sốc rất nặng, phải thở máy. Đến cuối ngày 1/7, người bệnh được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực ngoại để chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, do thương tích quá nặng, ông Hướng đã tử vong.