Lợi dụng dịch Covid-19 để đốn hạ rừng quý
Phản ánh với PLVN, ông Hoàng Quang Thịnh, thôn Nhất Tiến, xã Hồng Phong (huyện Bình Gia) cho biết, đồi lim hàng chục cây gỗ quý vừa bị khai thác khiến người dân địa phương ngỡ ngàng.
Theo ông Thịnh, đồi lim này bấy lâu nay được nhân dân địa phương gọi là đồi Đông Lim. Đồi Đông Lim ở một khu đất rộng khoảng 500m2, gần Trường THCS xã Hồng Phong. Rừng lim xanh bạt ngàn này hơn 100 tuổi, đã in sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ học trò trường THCS Hồng Phong cũng như người dân địa phương.
“Đông Lim có từ thời Pháp thuộc, đã chứng kiến bao thăng trầm, thay đổi của mảnh đất Hồng Phong. Trải qua hàng trăm năm, rừng lim vẫn hiên ngang đứng vững. Nhưng dưới bàn tay của con người, chỉ trong vòng một tuần, cả rừng lim xanh ngát đã biến mất. Thật xót xa, phẫn nộ”, ông Thịnh chia sẻ và cho biết, từ đây cái tên Đông Lim chỉ còn là một tên địa danh mà không còn cây nữa. “Rồi con cháu chúng tôi sẽ hỏi tại sao lại có địa danh Đông Lim?”, lời ông Thịnh.
Một số gỗ lim tại hiện trường khai thác (ảnh người dân cung cấp) |
Người dân địa phương cho biết, vào giữa tháng 8/2020, thời điểm mà tỉnh Lạng Sơn đang nỗ lực chống dịch Covid-19, một số người đã mang máy xẻ đến đốn hạ. “Tiếng máy xẻ kêu the thé, từng cây một bị chặt hạ, ngã xuống. Nhìn mà xót xa, đau lòng”, một người dân kể lại. Chỉ trong khoảng một tuần lễ, cả rừng Đông Lim với gần 30 cây đã bị đốn, rồi nhanh chóng được chở đi chỗ khác. Theo ước tính của người dân, số gỗ khai thác được lên tới hàng chục m3.
Một gốc gỗ lim trơ lại sau khi bị "xẻ thịt" |
Bức xúc trước rừng gỗ lim quý giá bị “xẻ thịt”, người dân địa phương đã nhiều lần làm đơn phản ánh đến chính quyền địa phương nhưng đến nay chưa được trả lời. “Khai thác hết một đồi lim vậy số gỗ đó để làm gì? Tại sao lại đi chặt hạ đồi lim? Nếu bán thì số tiền đó đâu, sử dụng vào mục đích gì? Rừng lim không phải tài sản của riêng cá nhân nào mà là của toàn dân nơi đây. Chúng tôi cần một lời giải thích thỏa đáng”, chị Hoàng Mai Liên, người dân địa phương, nói.
Ai cho khai thác rừng lim?
Ông Nguyễn Thế Hiệp, một người buôn gỗ lâu năm cho các làng nghề nội thất khu vực Hà Nội cho biết, nếu lim trồng từ thời Pháp thì nhiều khả năng thuộc giống lim xanh (thường gọi là lim ta), rất đắt. Theo ông Hiệp, hiện nay trên thị trường chủ yếu có lim Nam Phi, còn lim ta rất hiếm, có giá trị kinh tế cao. “Lim ta cứng như đá, không mối mọt, không cong; màu sắc sáng đẹp. Lim ta làm nội thất, cửa kèo, bàn ghế, cột nhà… là số 1”, ông Hiệp nhận định.
Cũng chính vì hiếm, công dụng rất tốt, bền lại có tính thẩm mỹ cao nên loại gỗ lim này được bán rất đắt. Ông Hiệp cho biết, hiện nay tại Hà Nội, gỗ lim loại này được bán khoảng 60 triệu đồng/m3.
Video gỗ lim bị đốn hạ (ông Hoàng Quang Thịnh cung cấp)
Ông Nông Văn Trưởng - trưởng thôn Nà Háng, xã Hồng Phong - xác nhận, rừng lim quý 100 năm tuổi đời ở địa phương này vừa bị đốn hạ. “Nhân dân địa phương trong đó có bản thân tôi rất xót xa, tiếc nuối”, ông Trưởng nói và cho biết, bản thân ông và người dân trong thôn không được báo trước khi rừng bị khai thác; cũng không biết đơn vị nào đến khai thác và lí do tại sao lại được khai thác.
Theo ông Trưởng, đồi Lim thuộc địa phận thôn Nà Háng nhưng nằm trong khuôn viên diện tích của Trường THCS xã Hồng Phong.
Trao đổi với PLVN, ông Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lạng Sơn - cho biết, ông đã nắm được thông tin sự việc trên và đã giao cho một Phó giám đốc Sở phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm đi vào thôn Nà Háng để kiểm tra. “Những cây lim được chặt này thuộc loại cây gì sẽ được kiểm tra, xác định rõ ràng. Thẩm quyền khai thác thuộc về ai, ai cho phép khai thác cũng sẽ được làm rõ trong thời gian tới”, ông Hưng cho biết.