’Bứng’ cây bồ đề đường 19/12 là coi thường lịch sử

Nhiều ý kiến cho rằng, việc di dời cây Bồ đề và bàn thờ liệt sỹ đường 19/12, nơi nhiều chiến sỹ chống thực dân Pháp ngã xuống, là coi thường lịch sử, coi thường dư luận…

Những ngày này, người dân Hà Nội, đặc biệt người dân phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm vô cùng bức xúc trước việc cây Bồ đề cổ thụ trống tại đường 12/9 bị bứng đi nơi khác. Nhiều ý kiến cho rằng, cây Bồ đề này là một phần của di tích 19/12 – nơi nhiều chiến sỹ chống thực dân Pháp ngã xuống và nằm tại đây, nên việc bứng cây Bồ đề là sự coi thường lịch sử…

Dư luận từng lên tiếng

Liên quan đến vấn đề này, Báo Pháp Luật Việt Nam từng có bài nêu việc Di tích 19/12 (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị xâm hại và phản ánh sự bức xúc của người dân địa phương.

Cây bồ đề khi chư bị "bứng" (trái), nay chỉ còn khoảng đất trống được quây kín tôn (phải).

Nơi này vốn là khu chợ tạm mang tên 19/12. Sau đó, một doanh nghiệp định đầu tư xây khu thương mại cao tầng tại đây. Tuy nhiên, trước sự phản ứng của dư luận, khu thương mại không thể thực hiện. Khi giải phóng khu chợ tạm, phát hiện nhiều hài cốt của chiến sỹ năm xưa, các cơ quan chức năng đã di chuyển hài cốt và con đường 19/12. Tại đây, ngoài cây bồ đề cổ thụ, một bàn thờ tưởng niệm được lập.


Tuy nhiên, sát con đường này xuất hiện một công trình xây dựng của Công ty TNHH Thủ đô II có trụ sở tại 49, Phùng Hưng làm chủ đầu tư. Bàn thờ và cây bồ đề bị quây kín bằng tôn, bồn hoa tiểu cảnh và khu bàn thờ, cây bồ đề bị xâm phạm khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc và nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc, có bài phản ánh.

 Những tưởng ý kiến của các cơ quan báo chí sẽ được chủ đầu tư và cơ quan chức năng TP Hà Nội tiếp thu và chỉnh sửa. Vậy nhưng, công trình này  vẫn “lấn tới” và cây bồ đề cùng bàn thờ tưởng niệm đã bị di chuyển.

’Xin các cơ quan chức năng hãy vào cuộc...’

 Cây bồ đề cổ thụ gắn với địa điểm tâm linh khu chợ 19/12 đã được Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội liệt vào hạng cây cổ thụ cần được bảo tồn, cấm xâm hại.

Khoảng 21h30 ngày 31/10, một số người dân phát hiện công nhân trong công trường xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ và chợ 19/12 dùng dây cáp quấn quanh thân cây bồ đề để cần cẩu tại công trường “nhổ” cây khỏi mặt đất.

Và cây bồ đề có đường kính thân hơn 1m, mọc cạnh và tỏa bóng che mát bệ thờ vong linh các anh hùng liệt sĩ và người dân thủ đô bị giặc giết hại trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã biến mất ngay sau đó; bỏ lại một chiếc hố lổn nhổn gạch đá và nước, rộng 4m2, sâu khoảng 2m. Hiện trạng bây giờ đã được che chắn bằng tôn, chỉ còn lại bồn hoa nhỏ và vài cây hương cắm trên nền cũ của bàn thờ.

Ngay sau khi phát hiện, Thanh tra Hạ tầng kỹ thuật đô thị Sở Xây dựng Hà Nội đã xác định cây bị bứng khỏi hiện trường nằm trong khuôn viên Công trình xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ và chợ 19/12 do Công ty TNHH Thủ đô II quản lý; đồng thời xác định đơn vị này đã sử dụng cần cẩu tại công trường bứng cây đem đi chỗ khác. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm đối với Công ty TNHH Thủ đô II.

Tại hiện trường, ông Lê Văn Hùng,  Trưởng khu phố1 một người dân phường Trần Hưng Đạo tần ngần nuối tiếc: “Thật không thể hiểu nổi. Đây là hành động coi thường dư luận và tín ngưỡng của người dân. Một hành động xúc phạm đến nơi thờ tự của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì đất nước. Xin các cơ quan chức năng đừng vô cảm, hãy vào cuộc và có biện pháp mạnh với những kẻ chủ tâm phá hoại”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Ngọc Long - Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, cho biết: "Trước đây tôi có nghe thông tin di dời bàn thờ các liệt sỹ và chuyện Công ty TNHH thủ đô II xin mở cửa ra đường 19/12. Nhưng việc này có được đồng ý hay không thì thuộc thẩm quyền UBND Thành phố. Bây giờ di dời rồi thì trách nhiệm không thuộc về phường nữa. Thanh tra Thành phố và Công ty cây xanh đô thị đã lập biên bản xử phạt và yêu cầu Công ty TNHH thủ đô II khôi phục lại hiện trạng như cũ của cây bồ đề và bàn thờ".

Ông Long bày tỏ thêm: Di tích 19/12 là nơi linh thiêng, nhưng để như bây giờ cũng không ổn. Chúng ta nên tôn tạo, sửa lại một cách trang trọng, chứ để nhếch nhác như hiện nay là không nên. Giữ được di tích này là một điều nên làm vì hợp với ý nguyện người dân và người Hà Nội có thêm một di tích để tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ.

Trường Lưu

Đọc thêm