Bước ngoặt trong phát triển giao thông TP Hồ Chí Minh

(PLVN) -  Trong 8 ngày đầu vận hành, tuyến tàu điện đầu tiên của TP HCM đã phục vụ hơn 900.000 lượt khách, cao điểm nhất hôm 29/12 với 201.000 lượt người. Số liệu được đơn vị vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên thống kê từ ngày 22 - 29/12, đã cho mọi người kỳ vọng về tương lai giao thông công cộng của TP HCM.
Ảnh minh hoạ.

Trong thời gian trên, tàu điện chạy hơn 1.560 chuyến, phục vụ khoảng 908.000 lượt người, bình quân mỗi ngày hơn 113.500 khách. So sánh với hai tuyến tàu điện ở Hà Nội là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội, trong tuần đầu vận hành, khách đi metro Bến Thành - Suối Tiên cao hơn.

Số lượt khách trên đã vượt gấp 3 lần so với kế hoạch vận chuyển được đơn vị vận hành tính toán ban đầu (bình quân mỗi ngày khoảng 39.000 lượt). Hiện tuyến metro mỗi ngày chạy 9 đoàn tàu với khoảng 200 chuyến, chạy từ 5h - 22h, tần suất giãn cách mỗi chuyến 8 - 12 phút. Số lượt tàu và giãn cách mỗi chuyến có thể được điều chỉnh linh hoạt phục vụ nhu cầu thực tế, nhất là cuối tuần hoặc lễ, Tết.

Như vậy, có thể khẳng định tàu điện góp phần rất quan trọng trong giao thông công cộng của TP. Những số liệu trên mới chỉ được tính toán trên một đoạn tàu điện dài gần 20km, kết nối trung tâm TP về cửa ngõ phía Đông. Theo kế hoạch mới nhất của TP HCM về phát triển đường sắt đô thị và kế hoạch này mới vừa được Bộ Chính trị chấp thuận, thì sau metro Bến Thành - Suối Tiên, từ nay tới năm 2035 hệ thống tàu điện tại TP sẽ mở rộng lên 355km, gồm nối dài tuyến số 1 và từ số 2 đến 7, đáp ứng 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân. Nếu kế hoạch này trở thành sự thật, thì chắc chắn diện mạo giao thông của TP HCM sẽ thay đổi hoàn toàn.

Một động thái khác đáng chú ý của TP HCM liên quan vận tải công cộng, là mới đây cho biết sẽ chỉ nghiên cứu thu phí ô tô vào khu trung tâm sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác 7 tuyến metro vào khoảng năm 2035. Phương án này được đưa ra nhằm phù hợp với quan điểm trước khi áp dụng thu phí xe vào khu trung tâm, các điều kiện về hạ tầng, năng lực giao thông công cộng phải được chuẩn bị tốt để người dân thuận tiện sử dụng. Để giảm xe cá nhân, phải thực hiện nguyên tắc "kéo - đẩy", tức song song với các biện pháp hạn chế, năng lực giao thông công cộng cùng hạ tầng kèm theo phải được đầu tư đồng bộ.

Với tuyến metro số 1, TP HCM đã mất 12 năm mới có thể hoàn thành sau rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Nhưng thực tế cuối cùng TP cũng đã làm được. Sự kiện tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức đi vào khai thác và vận hành thương mại từ 22/12/2024 được đánh giá là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong sự phát triển giao thông của TP HCM, cũng là niềm vui rất lớn của lãnh đạo và Nhân dân TP. Mong rằng sau tuyến metro số 1, TP đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, để đề án phát triển đường sắt đô thị TP đến năm 2035 sẽ sớm về đích.

Đọc thêm