Bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội

(PLO) - Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động và hiện đại hóa quy trình quản lý, trong thời gian qua, Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang tập trung tối đa nguồn lực, triển khai đồng loạt các giải pháp để cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Người dân giao dịch tại bộ phận 1 cửa của BHXH quận Thanh Xuân
Người dân giao dịch tại bộ phận 1 cửa của BHXH quận Thanh Xuân

Cắt giảm từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục hành chính

Để đạt được kết quả trên, trong năm qua BHXH Việt Nam thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành. Đồng thời, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về hồ sơ, quy trình, thủ tục thực hiện giải quyết các TTHC trên tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả các chế độ theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, các tổ chức và cá nhân được nhận kết quả giải quyết công việc trong thời gian ngắn nhất. Thực hiện cắt giảm số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành từ 32 thủ tục xuống còn 28 thủ tục.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức 02 hội nghị với chủ đề “Đối thoại thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)” giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các TTHC giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Việc tổ chức đối thoại là một kênh thông tin quan trọng để doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chế độ, chính sách và kiến nghị cơ quan BHXH sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ các thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu không cần thiết, gây phiền hà, lãng phí cho doanh nghiệp.

Đồng thời, rà soát sửa đổi các quy trình nghiệp vụ về hồ sơ và quy trình giải quyết chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH theo Nghị quyết Chính phủ về Phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của BHXH Việt Nam. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các TTHC, đảm bảo không ban hành thêm các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ nằm ngoài quy định của pháp luật. Năm 2017, BHXH Việt Nam không nhận được phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định TTHC.

Được biết, tất cả các TTHC của Ngành đều được công bố và cập nhật trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, đồng thời công khai trên Trang điện tử của Ngành và tổ chức niêm yết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của cơ quan BHXH địa phương theo quy định. 

Cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Trong năm 2017, ngành BHXH đã riển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 năm 2017 theo hướng dẫn tại Quyết định 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017;

Cấp sổ BHXH, thẻ BHYT theo mã số BHXH đáp ứng yêu cầu về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung toàn quốc, kết nối liên thông dữ liệu hộ gia đình, quản lý thu, sổ thẻ, giải quyết chế độ BHXH, BHYT thông qua mã số BHXH được cấp duy nhất cho người tham gia BHXH. BHXH Việt Nam đang xây dựng quy trình kiểm soát dữ liệu, cấp và quản lý thẻ BHXH, BHYT điện tử; triển khai hệ thống giao dịch điện tử đối với các thủ tục giải quyết hưởng chế độ BHXH ngắn hạn.

Tính đến hết ngày 30/11/2017, Ngành đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã có trên 236.000 đơn vị đăng ký giao dịch điện tử; trên 2,4 triệu hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử; tỷ lệ kết nối liên thông và thực hiện giám định điện tử trên toàn quốc đạt 98,77%; về cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, tính đến hết 30/11, toàn Ngành đã cấp sổ BHXH cho 13,4 triệu người (đạt 99,2% so với số người đang tham gia BHXH), trong đó đã bàn giao cho người lao động 7,98 triệu sổ. Đã cấp 80,3 triệu thẻ BHYT, trong đó có 10,3 triệu thẻ BHYT đã được cấp theo mã số BHXH...

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 5/2017, BHXH Việt Nam đã thực hiện chia sẻ thông tin với Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố để phối hợp trong công tác chỉ đạo, theo dõi việc kết nối liên thông của các cơ sở khám chữa bệnh trên hệ thống. 

Trong đó, công tác giám định BHYT tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và tạo mới các bản đồ, biểu đồ giám sát, tạo chức năng cho BHXH các tỉnh xuất dữ liệu tổng hợp toàn tỉnh, dữ liệu chi tiết từng cơ sở khám chữa bệnh. Tính đến ngày 25/12/2017, hệ thống đã tiếp nhận trên 163,2 triệu hồ sơ khám chữa bệnh điện tử đề nghị thanh toán; tỷ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%, tỷ lệ dữ liệu gửi đúng ngày đạt trên 70%.

Có thể thấy rằng, con đường đi của ngành BHXH trong việc phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH không hề đơn giản. Nhưng bằng ý chí, quyết tâm chính trị cao, toàn Ngành đã gặt hái được thành công, từng bước tạo dựng được niềm tin trong nhân dân. 

Đọc thêm