Buôn bán thực phẩm chứa chất độc hại sẽ bị khởi tố?

Hành vi dùng lòng đỏ trứng vịt, pha bột mỳ, trộn với chất bảo quản có thành phần phoócmôn để “biến” cua thịt thành cua gạch... có thể bị coi là vi phạm pháp luật hình sự.

Thời gian qua, người tiêu dùng hoang mang về nhiều loại thức ăn hàng ngày có chứa chất độc hại như chất tăng trưởng, chất bảo quản, chất làm giòn… Mới đây lại xuất hiện tình trạng dùng lòng đỏ trứng vịt, pha bột mỳ, trộn với chất bảo quản có thành phần phoócmôn để “biến” cua thịt thành cua gạch – hành vi có thể bị coi là vi phạm pháp luật hình sự.  

Hình minh họa
Hình minh họa

•    “Cua phoócmôn”, “bắp pin”…

Một trong những món hấp dẫn của đồ biển là cua gạch: Cua gạch hấp; cua gạch rang me; cua gạch xào miến; cua gạch hấp xôi trắng... So với cua thịt, cua gạch luôn đắt hơn từ 30-50.000 đồng/kg bởi vì hàm lượng đạm từ gạch cua cao và màu sắc trình bày cho món ăn bắt mắt hơn. Tiếc thay, trên nhiều thị trường hải sản bây giờ, nhan nhản cua gạch dởm! Cô Kh - một đầu mối chuyên cung cấp hải sản từ Hạ Long cho một số nhà hàng của Hà Nội - tiết lộ: “Lấy đâu ra cua gạch bãi (cua tự nhiên) mà lắm thế. Kể cả cua đưa về từ ngoài đảo cũng là cua nuôi hết. Là cua nuôi thì mới bõ công bơm ra hàng loạt cua gạch được. Cho nên cua cái con nào mai cũng gồ lên toàn gạch, thoải mái săm soi. Mỗi cua đực không “bơm” được, thương lái mới phải chịu”. Thứ “gạch bơm” kia là lòng đỏ trứng vịt, pha bột mỳ, trộn với chất bảo quản có thành phần phoócmôn có thể giữ được một số ngày trong mai mà không chảy, không phân hủy, không biến màu và con cua không chết. Cũng giống như bao nhiêu thứ thực phẩm hoặc trái cây bị đầu độc bởi hóa chất, món cua gạch cũng chẳng làm người ăn chết ngay…

Bà N.T.T - chủ một nhà hàng hải sản tươi sống đường Nguyễn Văn Cừ - TP.Hạ Long cho biết: Muốn biết gạch thật giả, chỉ cần cầm con cua lên, khẽ nạy diềm mai phía cuối sẽ nhìn thấy khá rõ: Gạch thật màu son tươi, còn gạch giả thì màu đỏ nhạt hơi  xanh. Nếu lớ ngớ, tốt nhất nên mua cua thịt, đừng tham cua gạch”. Nhưng không chỉ có những người nội trợ khờ khạo, khách ăn nhà hàng không tinh cũng mắc lừa. Thứ cua “bơm” sau khi nấu nướng bày ra nếu là miến nước thì gạch vàng nhợt nhạt, vón cục và sùi hạt kiểu súplơ, nhai bã và nhạt thếch. Nếu là món rang me, gạch thường đỏ tím, hơi lẫn xanh, cũng sùi hạt gạo, bết cứng và bã. Khác hẳn thứ gạch thật đỏ như son, càng nhai càng thơm mùi đặc hữu của gạch cua bể, bùi khé cổ.

Còn tại các lò luộc bắp (ngô ) ở TP.HCM, để bắp nhanh chín, khi luộc người ta cho một hai cục pin vào nấu chung. Nhưng người luộc phải canh chừng, nếu không để quá lửa bắp sẽ bị nhão. Luộc bắp như thế thì mới có lãi. Vì thông thường, khi lấy bắp ở chợ đầu mối bắp không còn tươi, bắp để lâu ngày, hạt đã khô cứng lại nên luộc bằng củi thông thường sẽ rất lâu và rất tốn nhiên liệu. Hơn nữa, bắp sống lấy về đã có giá từ 1.400 đến 3.000 đồng/bắp, mà khi bán ra cũng chỉ có từ 2.500 đến 5.000 đồng/bắp. Để nấu bắp ngọt, thơm, tươi và để lâu không bị ôi thiu, khi nấu bắp người ta còn cho thêm hương bắp, đường hóa học, muối diêm. Sau khi ra lò, bắp sẽ rất ngon và tươi như vừa hái ở vườn vào luộc, người ăn khó có thể phát hiện.

Hóa chất dùng để luộc bắp nhanh mềm và lâu ôi thiu, là loại bột màu trắng, xay nhuyễn, không nhãn mác, không nơi sản xuất và hạn sử dụng có giá 100.000 đồng/kg. Đối với đường dùng cho việc nấu bắp, đó là loại đường hóa học, ngọt so với đường bình thường rất nhiều, có giá từ 80.000 đến 90.000/kg. Khi luộc bắp, chỉ cần cho vào vào khoảng 3 muỗng/200 quả bắp thì bắp sẽ rất ngọt. Loại đường này cũng không có nhãn mác, không xuất xứ.

   "Lừa dối khách hàng”

Luật sư Trần Công Ly Tao, phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ: Là người tiêu dùng, trước tình trạng hàng hóa thực phẩm có chứa chất độc hại tràn lan trên thị trường hiện nay, chúng ta hết sức bất bình về hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng người dân của những kẻ mua gian, bán lận. Họ chỉ biết thu lợi bất chính, phó mặc hậu quả xảy ra, “sống chết mặc bay, tiền thầy đầy túi”!

Luật hình sự hiện hành hiện chưa đủ nghiêm khắc để xử lý hành vi loại này .Tuy nhiên, vẫn có thể xử lý hình sự những kẻ làm ăn gian dối nói trên. Điều 162 Bộ Luật hình sự (BLHS) quy định về tội lừa dối khách hàng : "Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm"; “Mức hình phạt có thể tăng từ hai năm đến bảy năm, nếu phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”.

Theo Luật sư Tao, về mức độ được xem là vi phạm pháp luật hình sự đối với hình vi buôn bán hàng có chứa chất độc  hại - pháp luật quy định, người nào gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Tội danh được xác định là tội “Lừa dối khách hàng”. Nếu người tiêu dùng phát hiện hàng hóa có chứa chất độc hại thì có thể trực tiếp tố cáo đến các cơ quan thẩm quyền gần nhất : Công an, quản lý thị trường... để lập biên bản vi phạm, làm căn cứ xử lý theo quy định pháp luật. Người phát hiện, nên thu thập chứng cứ phạm pháp giao nộp (như cua, bắp chứa chất độc hại) cho cơ quan thẩm quyền giữ làm chứng cứ xử lý vi phạm.

Pháp luật hiện hành quy định về việc quản lý kinh doanh hóa chất quá lỏng lẻo. Để hạn chế tiến tới chấm dứt việc sử dụng hóa chất độc hại làm chất “phụ gia” các mặt hàng lương thực, thực phẩm , pháp luật hình sự cần đề ra những điều khoản nghiêm khắc xử lý hành vi vi phạm. Người kinh doanh hóa chất phải quản lý thật chặt chẽ, đòi hỏi người mua hóa chất phải chứng minh sử dụng hóa chất hợp pháp, chẳng hạn phải có đơn xin mua hóa chất được chính quyền địa phương xác nhận, nhằm ngăn ngừa lưu thông hóa chất tùy tiện, tràn lan, gây hậu quả xấu. Người nào cố ý kinh doanh hóa chất độc hại, nhằm đưa hóa chất độc hại vào lương thực, thực phẩm gây ra “cái chết chậm” cho người khác có thể truy cứu trách nhiệm về tội “Giết người”- Luật sư Tao nói.

 Trần Tố - Hoàng Trâm
 

Đọc thêm