Buôn lậu "bất chấp" cả những không gian "nhạy cảm"

(PLO) - Theo đánh giá, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm tới sẽ vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do quốc tế.
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng buôn lậu
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng buôn lậu
Tính đến ngày 15/11/2015, cả nước phát hiện, xử lý 186.989 vụ buôn lậu, với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 11.535 tỷ đồng.
Diễn biến phức tạp, ở mọi nơi
Theo Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, năm 2015 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu hoạt động tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. 
Cụ thể, tại các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ “nóng” tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại. Các địa bàn “nóng” trong lĩnh vực này là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Ninh, An Giang… 
Còn tại các vùng biển ở Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam bộ nổi lên tình trạng buôn lậu xăng dầu, than, quặng, gỗ, rượu ngoại. Các cảng biển quốc tế ở Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh thường xuyên phát hiện những vụ việc buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm động vật hoang dã, đồ điện tử, gia dụng, thiết bị y tế cũ đã qua sử dụng. 
Đặc biệt, hoạt động buôn lậu diễn ra ngay cả trong những không gian được kiểm soát chặt chẽ như tại các cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế.  Ban Chỉ đạo 389 xác định những điểm “nóng” có hoạt động buôn lậu là Kho hàng nội địa Sân bay Tân Sơn Nhất, Bưu điện trung tâm TP Hồ Chí Minh, trạm trả hàng Fedex Hà Nội, Nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài; các chuyến bay đi Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc; các chuyến bay nhập cảnh từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Pháp, Mỹ, Nhật, Ấn Độ…
Trong nội địa, theo Ban Chỉ đạo 389, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng khá phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính người tiêu dùng, tác động xấu đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước. 
Ngành nào “đánh” mạnh? 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 15/11/2015, liên ngành cơ quan chức năng chống buôn lậu đã phát hiện, xử lý tổng cộng 186.989 vụ việc vi phạm (tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2014); thu nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt hành chính, bán hàng tịch thu, truy thu thuế ước đạt 11.535 tỷ 863 triệu đồng (tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014); khởi tố 1.123 vụ, với 1.281 đối tượng. 
Lực lượng hải quan đóng vai trò tiên phong trong công tác phòng chống buôn lậu khi trong năm 2015 phát hiện, xử lí 19.360 vụ việc, thu nộp ngân sách 1.746 tỷ 829 triệu đồng. Lực lượng công an đứng thứ hai trong việc phát hiện, xử lí các hành vi buôn lậu với 9.191 vụ việc; thu nộp ngân sách đạt 117 tỷ 791 triệu đồng; khởi tố hình sự 395 vụ, 546 bị can. Các đơn vị tiếp theo góp công trong việc phòng chống buôn lậu là Bộ đội Biên phòng (xử lý 2.295 vụ, thu nộp ngân sách hơn 16 tỷ đồng), Cảnh sát Biển (xử lý 197 vụ, thu nộp ngân sách 62 tỷ đồng)...
Trao đổi với PLVN, Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) cho hay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra khá phổ biến, phức tạp ở nước ta. Lý giải điều này, theo Đại tá Trực, một phần do nước ta gần với Trung Quốc, đất nước được cho là “công xưởng” của thế giới, với nhiều chủng loại hàng hóa giá rẻ.  
“Nước bạn nhiều hàng hóa, trong khi người dân mình cần những loại hàng đó để phục vụ cuộc sống thì nhập vào là bình thường. Nhưng trước khi vào Việt Nam, hàng hóa đó phải được cơ quan chức năng thẩm định chất lượng, nguồn gốc. Loại nào không đảm bảo thì loại bỏ, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước và tránh thất thu thuế cho Nhà nước”, Đại tá Trực nói. 
Ông còn cho biết thêm, trong quá trình hoạt động chống buôn lậu, lực lượng công an kinh tế thấy sự việc nào có dấu hiệu hình sự sẽ khởi tố, xử lý để răn đe những người làm ăn bất chính.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cẩn cũng cho rằng, thời gian qua, trước việc phát hiện một số vụ buôn lậu có sự tiếp tay của lực lượng hải quan, quan điểm của Tổng cục là không bao che, xử lý nghiêm những người trong ngành tiếp tay cho hoạt động buôn lậu. “Làm tốt thì được thưởng, làm không tốt, tiếp tay sẽ bị xử lí, luân chuyển, thậm chí xử lý hình sự. Cơ quan chức năng từng khởi tố một số vụ án liên quan đến việc cán bộ hải quan tiếp tay cho buôn lậu”, Phó Tổng cục trưởng nói. 
Ngày 16/12, Ban Chỉ đạo 389 TP Cần Thơ đã sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 11 tháng đầu năm trên địa bàn. 
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, thành viên BCĐ 389 thành phố, thời gian qua tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá trên địa bàn đã giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Các hành vi gian lận thương mại chủ yếu là nhập lậu, không khai hoặc khai sai danh mục hàng hóa; kinh doanh thực phẩm, hàng hoá không rõ nguồn gốc, hàng cấm kinh doanh, hàng không nhãn mác, không có hoá đơn chứng từ, không qua khai báo. 
Theo báo cáo, trong 11 tháng đầu năm BCĐ 389 thành phố đã đấu tranh, xử lý 1.509 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với 182 mặt hàng chủ yếu là thuốc lá, đường, dầu DO, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc đông y…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi sơ kết, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ngành là thành viên BCĐ 389 cần chủ động phối hợp, nâng cao trách nhiệm giữa các đơn vị; đặc biệt là vai trò của lực lượng công an và quản lý thị trường trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhất là các mặt hàng trọng điểm để hạn chế tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục và hỗ trợ cho các đối tượng vi phạm chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. 

Đọc thêm