Thiệt hại nặng về kinh tế, xã hội
Tại buổi Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong 1 năm, lực lượng công an các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng trong công tác chống buôn lậu, bắt giữ 9.682 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh trái phép thuốc lá lậu, trên 6.000 đối tượng vi phạm, tịch thu 10,3 triệu bao thuốc lá nhập lậu các loại, khởi tố hình sự 179 vụ, 263 đối tượng, phạt tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 21 tỷ đồng.
Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp là do chênh lệch giá cả thuốc lá giữa hai thị trường lớn, việc nhập lậu thuốc lá lợi nhuận rất cao. Đặc biệt, từ đầu năm 2016 đến nay, giá bán thuốc lá chính ngạch được điều chỉnh tăng tương ứng mức tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (từ 65 lên 70%) và tỉ lệ đóng góp Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (từ 1 lên 1,5%) thì tình trạng buôn bán, kinh doanh thuốc lá lậu ngày càng gia tăng do lợi nhuận cao ngất.
Theo thống kê, thuốc lá lậu đang chiếm gần 20% thị phần, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội. Mỗi năm gần đây, thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thuốc lá lậu chứa hàm lượng tar và nocotin cao hơn nhiều so với quy định hiện hành, chứa nhiều thành phần độc hại, chưa được kiểm định đã đưa ra thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Liên quan đến quy định xử lý hình sự hành vi buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu, nhiều địa phương than “vướng” luật, khó xử lý. Nghị định 124/2015 /NĐ-CP quy định mức xử lý hình sự của hành vi buôn lậu thuốc lá là 500 bao trở lên (khoản 2 điều 25).
Tuy nhiên, Nghị định này lại chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, các địa phương hiện vẫn đang áp dụng thông tư 36/2012, mà Thông tư này lại quy định: “Đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình, phải từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao trở lên. Như vậy, ở đây đã có sự chồng chéo về luật và Thông tư hướng dẫn. Nhiều địa phương cho biết, những trường hợp “may mắn” bắt được số lượng thuốc lá lậu trên 1500 bao thì dễ xử lý, còn nằm trong khung 500 – 1500 thì lại lúng túng, nhiều nơi vẫn “để đó” chờ thông tư mới.
|
Vận chuyển thuốc lá lậu công khai trên QL 91 từ Châu Đốc về Long Xuyên |
Nhiều đề xuất nhằm gỡ vướng
Một tình trạng thường gặp trong công tác xử lý thuốc lá lậu các vùng biên được chia sẻ, đó là việc các đầu nậu buôn lậu ngày càng nghiên cứu các quy luật để “lách luật”. Ông Huỳnh Văn Ù, Trưởng Công an Đức Huệ, Long An cho biết, rất nhiều trường hợp khi bắt được người vận chuyển thuốc lá lậu, số lượng thuốc lá là… 499 bao. Nhiều trường hợp bắt quả tang mà không xử lý hình sự được đã dẫn đến việc “nhờn” luật của dân buôn lậu thuốc lá.
Chính vì thế, hầu hết các địa phương đều có ý kiến đề xuất nên tăng chế tài, quy định giảm số lượng thuốc lá ở mức xử phạt hình sự xuống dưới 500 bao, thậm chí 200, 300, có như vậy mới đủ sức răn đe những kẻ buôn lậu đang ngày càng manh động và thách thức cơ quan chức năng.
Bộ luật Hình sự 2015 đã được thông qua có điều chỉnh quy định xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá nhập lậu tại Bộ luật Hình sự 2015 (Điều 190 và 191) căn cứ trên giá trị hàng phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng thay vì tính trên số lượng bao như trước đây.
Điều này đã gây thêm khó khăn cho việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá, bởi nếu tính trên tiền, thì sẽ lấy giá nào làm chuẩn để xử lý, từ đây sẽ gây ra nhiều phức tạp trong định giá hàng hóa. Và giả sử tính giá sàn thì trường là 15 ngàn đồng/ bao, như vậy mức quy định 100 triệu đồng sẽ hạ chế tài xuống gần 4 lần, như vậy, pháp luật không đủ răn đe, càng tạo điều kiện hơn cho nạn buôn lậu phát triển.
Mới đây, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã có một số đề xuất nhằm tăng hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu thuốc lá, căn cứ trên thực tế tình hình buôn lậu thuốc lá thời gian qua. Theo đó, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đưa ra các biện pháp cụ thể, đánh trực diện vào hành vi buôn lậu, như kiến nghị các địa phương trên cả nước chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến thuốc lá lậu, đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu công khai tại các tủ, quầy thuốc, nhà hàng… đồng thời kiến nghị các cơ quan, ban ngành, địa phương ban hành văn bản yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức không hút thuốc lá lậu. Cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị trích 50% Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu. Ngoài ra, thuốc lá lậu tang vật nên tiếp tục được tiêu hủy thay vì tái xuất.
Ở khía cạnh luật, Hiệp hội thuốc lá cũng đề nghị “gỡ vướng” bằng cách kiến nghị sửa đổi điều 190, 191 Bộ luật Hình sự, không áp dụng giá trị hàng phạm pháp tội thiểu làm căn cứ định tội và định khung với các tội danh liên quan đến thuốc lá lậu. Đồng thời, Hiệp hội cũng đưa ra đề nghị sớm ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 19/2015/TT-BTC, theo đó, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đồng ý nâng mức hỗ trợ công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá lên 4,500 đồng/bao thuốc lá nhập lậu bị bắt và tiêu hủy.