Đất nông, lâm trường đang bị xâu xé?
Theo Bộ TN&MT, hiện nay tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai vẫn diễn ra thường xuyên với nhiều vụ việc phức tạp. Các hình thức vi phạm chủ yếu là: lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, tự ý chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật. Tình trạng giao khoán đất sai mục đích, sai đối tượng, thất thoát, để đất hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng khá phổ biến tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp.
Một trong những "điểm nóng” trong quản lý đất nông, lâm trường hiện nay chính là khu vực Tây Nguyên. Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, tại tỉnh Đắk Nông, diện tích rừng bị chặt phá riêng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín đã lên tới 969,3 ha; Công ty Quảng Sơn là 1.900 ha, công ty ĐăkRMăng 1.610,8 ha và 1.960 ha rừng giao khoán theo nghị định 135/2005 bị chặt phá.
Nếu như tại tỉnh Đắk Lắk, có 19.286 ha rừng bị tranh chấp, lấn chiếm chưa được giải quyết dứt điểm, thì tỉnh Gia Lai cũng có trên 51 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân xen kẽ, lấn chiếm, tranh chấp trong các lâm trường, trong đó huyện KRông Chro có 6.452 ha, huyện Chư Sê 10.192 ha.
Không riêng gì Tây Nguyên, một số nông, lâm trường ở các tỉnh Tây Bắc, trong thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật như giao khoán đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp.
Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc.
Thậm chí, còn có tình trạng một số nông, lâm trường để người nhận khoán chuyển nhượng đất cho người ở các thành phố, địa phương khác không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Nhiều nông, lâm trường thực hiện bán vườn cây, hoặc khoán trắng dẫn đến không quản lý được sản xuất do người nhận khoán cho rằng vườn cây, đất giao khoán là của người lao động tự đầu tư nên không chấp nhận việc quản lý về đất đai và điều hành sản xuất của nông, lâm trường. Điển hình như Công ty Chè Mộc Châu, Công ty Chè Yên Bái, Công ty cổ phần Thực phẩm Bắc Giang, Công ty cổ phần Đông Triều…
Nông, lâm trường mất dần khả năng quản lý
Nhận định về nguyên nhân để xảy ra tình trạng như hiện nay, Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai chỉ ra rằng, sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, chậm phát hiện, hoặc phát hiện được tình hình nhưng chưa có biện pháp phù hợp để quy trách nhiệm, xử lý những vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp có các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Nhiều nơi chính quyền địa phương còn phó mặc cho nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp tự giải quyết các tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai.
Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường cũng hết sức lỏng lẻo, thiếu kiểm tra dẫn đến tình trạng nông, lâm trường mất dần khả năng quản lý đất đai được giao. Đội ngũ cán bộ quản lý của các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ chế mới, còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào Nhà nước. Những bất cập này nếu không được khắc phục kịp thời thì rừng và đất rừng tiếp tục không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ.
Theo Bộ TN&MT, tài nguyên rừng, đất đai, nguồn nước tiếp tục suy giảm, tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất diễn ra nghiêm trọng. Nguy cơ suy thoái môi trường tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực Đồng bằng bắc bộ, Tây Nguyên và các khu vực miền Trung, Nam bộ do công tác quản lý rừng và đất rừng chưa thực sự hiệu quả, chưa xác định được cụ thể “chỉ giới đường đỏ” trên thực địa khu vực rừng và đất rừng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
“Nếu để tình trạng này tiếp diễn sẽ có thể gây ra xung đột lợi ích giữa người dân với các nông, lâm trường, tạo ra các điểm nóng nhưng khó có căn cứ để giải quyết dứt điểm do nguồn gốc đất đai và hồ sơ quản lý của cơ quan Nhà nước vừa thiếu lại vừa không chặt chẽ”- báo cáo của Bộ TN&MT đưa ra nhận định.
Để xử lý thực trạng này, một trong những giải pháp mà Bộ TN&MT đề nghị Chính phủ là tiếp tục lập tổ công tác liên ngành xuống từng địa phương để khảo sát đánh giá về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tập trung thanh tra, kiểm tra quản lý sử dụng đất, trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường; Tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.
Với yêu cầu phải có những quyết sách đột phá trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, trong đó tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng hiện nay.