"Cá mập" thao túng chứng khoán chưa lộ diện

 Mức “xử” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua không đủ mạnh làm lành mạnh thị trường. Sau sự kiện bắt ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược Viễn Đông, các cơ quan chức năng cần sớm củng cố chứng cứ để xử lý nốt những “cá mập” còn lại theo pháp luật

 Mức “xử” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua không đủ mạnh làm lành mạnh thị trường. Sau sự kiện bắt ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược Viễn Đông, các cơ quan chức năng cần sớm củng cố chứng cứ để xử lý nốt những “cá mập” còn lại theo pháp luật.

Viễn Đông “thâu tóm” Hà Tây

Mới đây Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược Viễn Đông (mã cổ phiếu DVD) – v đã có hành vi thao túng giá chứng khoán theo điều 181C Bộ luật Hình sự. Theo Cơ quan An ninh Điều tra, ông Dũng thông qua em trai của mình là Lê Văn Mạnh cùng một số người khác tiến hành mở 11 tài khoản giao dịch chứng khoán.

Cụ thể, ông Dũng giao cho ông Mạnh 9 tài khoản không thời hạn và cùng một số người sử dụng các tài khoản trên tham gia giao dịch sàn chứng khoán. Sau đó, ông Dũng cùng nhóm người này đặt mua cổ phiếu DHT của Công ty cổ phần Dược Hà Tây với mục đích tạo giao dịch ảo trên thị trường. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tưởng thật và tiến hành đầu tư vào loại cổ phiếu này dẫn đến thiệt hại tài chính hàng trăm triệu đồng/cổ đông.

Còn nhiều 'cá mập" chưa lộ diện?

Đến ngày 26/11/2010, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) đã có công văn yêu cầu Công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông thực hiện việc công bố thông tin bất thường trong thời hạn 24 giờ. Đồng thời SSC chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và các đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Cũng theo SSC, tính đến ngày 21/6/2010, ông Dũng nắm 18,74% cổ phiếu DHT, cộng với cổ phiếu do Công ty đầu tư y tế Medi (cổ đông của DVD) nắm giữ thì sở hữu DHT của nhóm này là 22,12%.

Công ty của ông Dũng còn mua thêm cổ phiếu DHT khiến tổng tỉ lệ nắm giữ của cả nhóm này lên 28,68%. Hành vi “mua âm thầm” của Viễn Đông đã vi phạm các quy định về chứng khoán. Chưa hết, Viễn Đông và một số cổ đông còn tiếp tục gom cổ phiếu DHT với số lượng nắm giữ lên đến khoảng 60% vốn điều lệ. Điều này khiến Công ty cổ phần Dược Hà Tây phải đăng ký mua cổ phiếu ký quỹ, công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu. Với cách làm giá của ông Dũng, làm cổ phiếu DHT tăng vọt từ 30.000 đồng lên 100.000 đồng/cổ phiếu. Tiếp đó tháng 7/2010, Viễn Đông chào bán hết toàn bộ số cổ phiếu DHT. Được biết, hiện ông Dũng nắm giữ khoảng 4 triệu cổ phần của Viễn Đông. Năm 2009, ông Dũng được bình chọn là một trong 60 người giàu nhất sàn chứng khoán, nắm giữ số cổ phiếu trị giá trên 240 tỉ đồng.

Thao túng: Một phi vụ, thu hàng chục tỷ đồng

Ông T.H.B - chuyên gia chứng khoán tại đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP.HCM cho biết: Trước thời điểm xảy ra vụ bắt ông Dũng, thị trường chứng khoán đã chứng kiến không ít vụ các “đội lái” (người làm giá chứng khoán) bị xử phạt với mức phạt hàng trăm triệu đồng. Điển hình nhất là vụ ông Võ Văn Trường và Phạm Đình Phú bị phạt 250 triệu đồng/người vì hành vi sử dụng 10 tài khoản mua bán tạo ra cung – cầu ảo với cổ phiếu AMV. Đây là mức phạt cao nhất từ trước tới nay dành cho hành vi thao túng giá theo Nghị định 85/2010/NĐ-CP có hiệu lực ngày 20/9/2010. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư trên thị trường, mức phạt này có thể là số tiền lớn so với mặt bằng chung của xã hội, nhưng không khác gì một …vết xước với dân “đội lái” trong chứng khoán.

Bởi với một phi vụ làm giá thành công người làm giá có thể thu về hàng chục tỷ đồng. Điều này chứng tỏ các nghị định, quy định của SSC dường như vẫn không theo kịp thị trường. Theo các chuyên gia chứng khoán, việc xử phạt hành chính của SSC không đủ mạnh để làm lành mạnh thị trường, nên sự kiện bắt ông Lê Văn Dũng là một yếu tố cần vào thời điểm hiện tại. Một thẩm phán TAND  đồng tình với ông T.H.B khi cho rằng, hành vi thao túng chứng khoán hiện đếm không “xuể”.

Tuy nhiên, để có biện pháp chế tài, răn đe, chấm dứt hành vi này là rất khó đạt được. Điều này đòi hỏi SSC cần phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, cơ quan điều tra vào cuộc. Có như thế mới có thể hạn chế tình trạng thao túng như hiện nay. Mới đây, luật cũng đã bổ sung quy định liên quan, như thế nào thì các thẩm phán sẽ căn cứ vào đó mà xử  – vị thẩm phán nói.
Còn Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư Bình Phước) cho rằng: Lâu nay, giới chứng khoán và cả báo chí nhiều lần cảnh báo hiện tượng có những “con cá mập” thao túng một số cổ phiếu. SSC từng ban hành một số quyết định xử phạt hành chính những cá nhân có hành vi chào bán chứng khoán thiếu công khai, minh bạch. Nhưng chưa ai bị xử lý hình sự, nên việc chứng khoán bị thao túng, bị làm giá là khó tránh khỏi.

Điều này lý giải một phần tại sao các chuyên gia chứng khoán không thể dự báo chính xác xu thế của thị trường chứng khoán tại hai sàn HoSE và HNX. Có người nói vui là thị trường chứng khoán của Việt Nam không đi theo một qui luật nào, các chuyên gia chứng khoán có tài giỏi đến mấy cũng đành… bó tay. “Tôi nghĩ rằng, hành vi thao túng chứng khoán chắc không chỉ một mình ông Dũng mà còn nhiều “ông Dũng” khác. Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm củng cố chứng cứ để xử lý nốt những “cá mập” còn lại theo pháp luật” – Luật sư Đức nói.

Trần Tố

Đọc thêm