Diễn đàn trực tuyến được tổ chức tại 3 điểm cầu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của tỉnh kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm nông, thủy sản, sản phẩm OCOP, đặc sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản của tỉnh có cơ hội được kết nối trao đổi, mở rộng hợp tác với các nhà mua trong và ngoài nước.
|
Điểm cầu tỉnh Cà Mau. |
Khai mạc tại điểm cầu tỉnh Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, cho biết: “trước yêu cầu thực tiễn về hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các huyện, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy, UBND tỉnh đã tổ chức “Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm Nông, Thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2021”.
Hội nghị lần này được tổ chức nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh Cà Mau duy trì chuỗi sản xuất, kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm OCOP và các mặt hàng đặc sản khác trong thời gian tới”.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu tại điểm cầu Cà Mau. |
Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra các phiên giao thương kết hợp tư vấn phát triển thị trường cho các doanh nghiệp. Cụ thể, hoạt động này sẽ tổ chức các phòng giao dịch trực tuyến, kết nối tiêu thụ giữa các siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản, sàn thương mại điện tử,.. với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng nông sản, thủy sản của tỉnh Cà Mau.
|
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Theo thông tin, Phía doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ nông thuỷ sản của tỉnh Cà Mau là 28 doanh nghiệp. Doanh nghiệp địa phương của Cà Mau cần bán là 41 doanh nghiệp. Trong đó nhóm sản phẩm hàng hoá nông sản trên địa bàn cần tiêu thụ (lúa, gạo, tôm, cua, cá biển các loại, rau củ quả và gia súc gia cầm). Đặc biệt nông sản chế biến cũng rất cần đầu ra (tôm khô, cá khô, chả cá, mắm các loại và bánh phồng tôm.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị, Cà Mauxậy dựng vùng mô hình nuôi tôm lúa (lúa thơm tôm sạch), mô hình tôm rừng, mô hình nuôi tôm hữu cơ, xây dựng chuỗi cung ứng thu mua tôm, hệ thống chế biến phân phối tôm trên cả nước và xuất khẩu. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh chất lượng phục hồi nông nghiệp sau đại dịch COVID-19.
Tỉnh Cà Mau được biết đến với ngành hàng chủ lực là thủy sản, với sản lượng tôm hàng năm khoảng 200.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 45 nhà máy chế biến thuỷ sản, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 01 tỷ USD/năm. Các sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu của tỉnh đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Úc,… và hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài ra, cua Cà Mau cũng là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đặc biệt trên thị trường với sản lượng khoảng 20.000 tấn/năm, được xuất khẩu sang một số nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia,…
Riêng đối với sản lượng lúa của Cà Mau còn tương đối hạn chế so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nhưng mức độ thâm canh trong sản xuất lúa cao sản ở Cà Mau chưa cao, diện tích sản xuất lúa gần như không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; nhiều vùng đất đai còn phì nhiêu, chưa thoái hoá nên ngành hàng lúa gạo Cà Mau có lợi thế cạnh tranh rất lớn về gạo sạch, gạo hữu cơ và gạo chất lượng cao.