Cà Mau lo đối phó với 80% tổng chiều dài bờ biển bị xói lở

(PLVN) - Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, ba mặt giáp biển như một bán đảo, có tổng chiều dài bờ biển 254km (bờ biển Tây dài 154km, bờ biển Đông dài 100km) nhưng có trên 80% tổng chiều dài bị xói lở.
Bờ biển ở Cà Mau bị xói lở hàng năm.

Xói lở bờ biển Đông và Tây

Qua quan trắc, ở biển Tây tốc độ sạt lở trung bình từ 20 ÷ 25m/năm, có một số vị trí lên đến 50m/năm, ở biển Đông trung bình từ 45 ÷ 50m, cá biệt có những nơi lên đến 80m/năm.

Cụ thể, bờ biển Đông với chiều dài xói lở nguy hiểm khoảng 48.000m, trong đó, sạt lở rất nguy hiểm khoảng 29.500m tập trung trên địa bàn các xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); xã Đất Mũi, xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển).

Đối với bờ biển Tây xói lở với chiều dài 57.000m, trong đó có nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Hiện nay, tình hình sạt lở bờ biển Tây ngày càng nguy cấp hơn, những dãy rừng phòng hộ ven biển dần biến mất nên đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là, vào mùa mưa bão, gió Tây Nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao.

Xói lở nguy hiểm tại bờ biển Đông (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển).

Bờ biển tỉnh Cà Mau thường xuyên bị xói lở nguy hiểm với chiều dài105km, làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, không chỉ cuốn mất đất sản xuất, đe dọa đê biển Tây, mất rừng phòng hộ xung yếu, mà còn lấy đi sinh kế, tác động tiêu cực đến đời sống người dân vùng ven biển.

Điển hình là việc sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường dâng cao gây ra tràn và sạt lở đê biển Tây xảy ra vào ngày 03/8/2019. Mùa mưa bão năm 2020, chỉ trong vòng 1 tháng đã xảy ra liên tiếp 5, 6 cơn bão, bão chồng bão, mưa chồng mưa đã gây sạt lỡ trầm trọng gần 10km bờ biển Tây, đã trực tiếp ảnh hưởng đến 26.160 hộ dân sinh sống ven biển và 128.900 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ vùng ven biển

Phó Chủ UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Trước những diễn biến sạt lở bờ biển ngày càng gia tăng, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định hộ đê khẩn cấp, chỉ trong năm 2020 tỉnh ban hành liên tiếp 02 Quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây tỉnh Cà Mau vào các ngày 26/8 và 20/10 để huy động toàn lực, kể cả các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tập trung xử lý sạt lở trong đó có cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp để khắc phục khẩn trương nhằm giảm thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra, giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Sóng biển vượt qua kè hộ đê, tiếp tục bào mòn, gây sạt lở đai rừng phòng hộ ở huyện Trần Văn Thời.

Việc chống sạt lở bờ biển bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, từng bước khôi phục lại vùng bờ biển là nhiệm vụ khẩn cấp, cần phải có giải pháp căn cơ để ổn định lâu dài và cần phải làm khẩn trương, ngoài mục đích phòng chống thiên tai còn có ý nghĩa bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, tỉnh Cà Mau đã triển khai rất nhiều giải pháp để xử lý khắc phục sạt lở. Ngoài các giải pháp phi công trình như: Tổ chức di dân, tái định cư; phát động phong trào trồng cây, gây rừng; Tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở ven biển về qui mô, cường độ, hướng dịch chuyển theo định kỳ;..., tỉnh tập trung vào các giải pháp công trình kiên cố hóa đê biển và các công trình kè chống sạt lở, gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, từ những giải pháp xử lý tạm thời như: cừ bằng vật liệu địa phương kết hợp đá hộc, rọ đá, cừ bản nhựa, bê tông tự chèn,… đến các giải pháp xử lý cơ bản hơn, căn cơ hơn như: kè 02 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi, được đúc kết kinh nghiệm từ những giải pháp trước đây.

Xây dựng kè biển kiên cố

Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 56/154km đê biển Tây, gần 60 km kè ở cả biển Tây và biển Đông được xây dựng kiên cố từ nhiều nguồn vốn (như vốn Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách tỉnh, vốn của doanh nghiệp...). Đê biển Tây tỉnh Cà Mau vẫn đảm bảo ổn định, không bị vỡ đê mặc dù luôn luôn bị uy hiếp bởi sóng to, gió lớn kết hợp với triều cường nước biển dâng xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.

Qua thời gian theo dõi, đánh giá cho thấy, giải pháp công trình kè 02 hàng cọc dự ứng lực tạo bãi đã và đang phát huy rất hiệu quả trong việc khắc phục sạt lở, khôi phục rừng phòng hộ ven biển. Hiện nay tỉnh đã thực hiện giải pháp này với tổng chiều dài gần 49km (40km được xây dựng ở biển Tây và 9km ở khu vực biển Đông).

Theo số liệu khảo sát mới nhất, phía sau công trình, bãi bồi đã hình thành và được bồi lấp liên tục theo từng năm. Hiện nay bình quân chiều cao bãi được nâng lên từ 1-1,5m phù sa so với trước khi có công trình. Cùng với việc phát huy hiệu quả giảm sóng gây bồi, công trình còn tạo điều kiện tốt để trồng tái sinh rừng ngập mặn, đảm bảo an toàn cho nhà cửa dân cư phía bên trong đê cũng như sản xuất nông nghiệp của người dân.

Cần Trung ương hỗ trợ ứng phó xói lở bờ biển

Trước tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng thiệt hại về sản xuất, dân sinh, đồng thời để triển khai các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó xói lở bờ biển trong thời gian tới, Tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính không áp dụng cơ chế vay lại các dự án ODA đối với các dự án ứng phó thiên tai theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Nghị định số 52/2017/NĐ của Chính phủ.

Thay vào đó, Cà Mau được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA đầu tư cho các dự án xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, vì các dự án này không có khả năng thu hồi vốn.

Hiện nay, những dãy rừng phòng hộ ven biển dần biến mất nên đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nhất là, vào mùa mưa bão (sạt lở tại bờ Nam Kênh Mới, thuộc tuyến đê biển Tây, huyện Trần Văn Thời).

Phó Chủ UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết thêm, tỉnh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét có cơ chế để huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp với đầu tư khai thác du lịch sinh thái, điện gió, điện năng lượng mặt trời (các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư kè và được giao sử dụng đất rừng phòng hộ ven biển khôi phục thêm được từ dự án để kinh doanh du lịch sinh thái).

Đồng thời, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy nhanh việc xem xét phê duyệt đê biển Tây tỉnh Cà Mau là đê biển cấp III (Tờ trình số 138/TTr-UBND ngày 14/10/2019).

Cùng với đó, theo Cà Mau, Trung ương cần sớm có phân bổ kinh phí cho tỉnh xử lý tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng với tổng kinh phí khoảng 1.047 tỷ đồng, trong đó ưu tiên nguồn vốn xử lý đối với các công trình chống sạt lở khẩn cấp, đặc biệt nguy hiểm khoảng 797 tỷ đồng và kinh phí nạo vét các cửa sông, cửa biển bị bồi lắng trước mùa mưa bão năm 2021 khoảng 250 tỷ đồng./.

Đọc thêm