Cà Mau tìm giải pháp lâu dài đối phó sụt lún, sạt lở: Tìm giải pháp khắc phục tạm thời và lâu dài

(PLVN) - Trong khi chính quyền cơ sở nỗ lực thực hiện các giải pháp “thủ công”, tạm thời để khắc phục sụt lún, sạt lở thì ở cấp tỉnh, các hội nghị đã được tổ chức để lấy ý kiến chuyên gia về những giải pháp lâu dài cho Cà Mau trước nguy cơ bị hạn hạn, xâm nhập mặn “gặm dần” từng tấc đất.

Kỳ 2: Tìm giải pháp khắc phục tạm thời và lâu dài

Ngày 24/2 vừa qua, UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành chức năng liên quan khẩn trương thực hiện quy trình, biện pháp giám định các sự cố công trình, làm rõ nguyên nhân, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể đối với một số công trình quan trọng (cống, đê, đường trục,...)

Các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các viện, trường, các cơ quan chuyên môn Trung ương đã đánh giá thực trạng tác động do hạn hán trên địa bàn tỉnh, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả để tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian tới. 

Hạn hán khiến nhiều kênh rạch khô đáy, nước ngầm cạn kiệt tại xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
 Hạn hán khiến nhiều kênh rạch khô đáy, nước ngầm cạn kiệt tại xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).

Theo ông Tô Quốc Nam – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Sở NN&PTNT tỉnh đang tiến hành nhiều giải pháp khắc phục các cống ngăn mặn cần xử lý rò rỉ, xói đáy...Thời gian qua, Trung tâm quản lý khai thác công trình thủy lợi, phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan tiến hành các giải pháp đắp đập phía trong nội đồng để ngăn mặn không cho vào sâu trong nội đồng, đắp đất 2 bên mang và cửa cống (phía hạ lưu) để giảm áp lực nước xói qua đáy cổng và dùng máy bơm, bơm nước mặn phía trong cống ra ngoài; sử dụng máy bơm nước, bơm nước mặn ra ngoài.

Ruộng khô hạn vì nước ngầm cạn kiệt trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).
 Ruộng khô hạn vì nước ngầm cạn kiệt trên địa bàn huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).

Trước thực trạng diễn biến phức tạp của hạn hán, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các Sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các Viện, Trường, cơ quan chuyên môn Trung ương tiến hành khảo sát, giám định tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả trong thời gian sớm nhất. 

Trước mắt thực hiện các thủ tục cần thiết triển khai thực hiện thi công các công trình, dự án khẩn cấp để xử lý đối với các cống bị rò rỉ, xói đáy; xử lý khẩn cấp các đoạn đã sụp lún và có nguy cơ sụp lún đê biển Tây từ Đá Bạc đến Kênh Mới;...

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Cục Trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng), việc khắc phục sụt lún là giải pháp cấp bách, không thể chần chừ. Đặc điểm của vùng ĐBSCL khi dưới kênh khô cạn thì bao nhiêu hàng hóa chuyển lên lộ, làm gia tăng áp lực lên các tuyến lộ. Nếu cho nước mặn vào mà không ảnh hưởng gì đến trồng trọt thì cũng nên tính đến… 

Với giải pháp tại Hội nghị Bàn giải pháp ứng phó với hạn hán mùa khô 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhắc tới là có thể sẽ đưa nước mặn vào các con sông ở vùng ngọt hóa, vốn đang khô cạn, để tăng áp lực nước lên các bờ kênh với hi vọng làm giảm thiểu nguy sơ sụp lún, sạt lở…

Nông dân tại xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) trồng hoa màu cũng gây khó khăn vì thiếu nước do hạn hán.
 Nông dân tại xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) trồng hoa màu cũng gây khó khăn vì thiếu nước do hạn hán.

PGS.TS Trần Bá Hoằng - Viện Trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho biết, tần suất diễn ra hạn - mặn nhanh, vấn đề phải làm ngay lúc này là hỗ trợ người dân tích trữ nước sinh hoạt. Theo ông Hoằng, về lâu dài phải chuyển nước ngọt của Mekong về Cà Mau và coi đây là giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, giải pháp này cần kinh phí lớn và việc nguồn nước từ sông Hậu có đủ để cung ứng cho vùng hay không cũng là chuyện phải tính toán.

Nhận định "Đây là vấn đề đang gây lo lắng nhất đối với chính quyền và người dân trong tỉnh", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng tình trạng sụp lún vẫn chưa dừng lại, khi đang xuất hiện nhiều vết nứt mới. Ông Sử cho biết sẽ đưa các vấn đề cấp bách như tuyên bố tình huống thiên tai, đưa nước mặn vào các tuyến kênh, rạch đang khô hạn để hi vọng ngăn chặn tình trạng sụp lún, sẽ được lãnh đạo tỉnh quyết định trong thời gian sớm nhất.

Nhưng về lâu dài, ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Hiện nay tỉnh Cà Mau triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý chống thấm đối với bản đáy các cống bằng công nghệ Phụt XM - Silicate - hóa chất, công nghệ Phụt Jet Grouting, và cũng đã cũng khắc phục được phần nào tình trạng thấm trên Cống Kênh Mới (xã Khánh Hải), qua đó tiếp tục vận chuyển thiết bị sang xử lý cống Tham Trơi và cống Trùm Thuật Bắc…

Các cống còn lại hiện đang (theo phương pháp phụt Silicate, gia cố mái đê bằng thảm đá bọc PVC và xếp rọ đá phía biển, trữ đất để đắp mái đê, gia cố cừ tràm chân khay…) và sẽ tiếp thi công tiếp theo để đảm bảo ngăn mặn, ổn định lâu dài các cống đầu mối vùng ngọt hóa.

Toàn cảnh vùng mặn ngọt, Sông Kinh Hội, xã Khánh Bình (Trần Văn Thời, Cà Mau).
 Toàn cảnh vùng mặn ngọt, Sông Kinh Hội, xã Khánh Bình (Trần Văn Thời, Cà Mau).

Một thông tin vui mà Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn chia sẻ trong chuyến về làm việc với tỉnh vừa qua là “Sẽ khôi phục lại Âu thuyền Tắc Thủ, khi hoàn thành công trình cống Cái Lớn (Kiên Giang), sẽ dẫn nước ngọt từ đây thông qua tuyến Kênh Xáng Chắc Băng về Cà Mau (thay gì Kênh Xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp như trước đây)”.

Với vùng ngọt Trần Văn Thời, theo Thứ trưởng Tuấn, khi cần thiết sẽ tiếp nước ngọt cho toàn vùng này thông qua hệ thống công trình, hoặc bơm cưỡng bức. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thì cần xây dựng đồng thời các cống, đập ngăn mặn từ các nhánh sông liên kết với Kênh Xáng Chắc Băng với công trình cống sông Cái Lớn, nếu không thì dự án này sẽ kém hiệu quả, niềm vui đón dòng ngọt về với đồng đất Cà Mau sẽ vẫn phải chờ./.

Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung hoặc hướng dẫn địa phương thực hiện loại hình thiên tai “sạt lở do hạn hán”; đồng thời hỗ trợ tỉnh Cà Mau khắc phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai, hạn hán với tổng kinh phí dự kiến khoảng 1.690 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện các dự án cấp bách khắc phục hạn hán mùa khô năm 2019 - 2020 là 300 tỷ đồng. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hạn hán mùa khô năm 2019 - 2002 đã làm gần 20.500ha lúa, 2.378ha tôm nuôi bị thiệt hại, 43.583ha rừng bị khô hạn nguy cơ cháy cao và 20.851 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Đọc thêm