Cá nhân, tổ chức chỉ góp vốn thành lập 1 ngân hàng TMCP

Theo Nghị quyết phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mỗi cá nhân hoặc tổ chức và người có liên quan của cá nhân hoặc tổ chức đứng đơn chỉ được tham gia góp vốn thành lập 1 ngân hàng (bao gồm cả ngân hàng đang hoạt động)

Chính phủ vừa thông qua Nghị quyết 60/NQ-CP phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với nhiều cải tiến trong thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP).

Không quá 2 ngày nhận hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước phải có giấy biên nhận

Theo đó, để khắc phục tình trạng quy chế cấp phép cũ chưa quy định rõ cách thức nộp hồ sơ, chưa xác định rõ thời hạn giải quyết, nên với văn bản này nhiều thủ tục được quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn để người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện. Cụ thể, cải tiến thứ nhất của thủ tục này là quy định nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi quy bưu điện đến Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước. 

Ảnh minh họa

Thứ hai là quy định thời hạn trả lời kết quả xác nhận về tình trạng hồ sơ theo hướng: trong thời hạn tối đa 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cụ thể là Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) phải có giấy biên nhận (nếu kiểm tra đủ hồ sơ theo quy định) hoặc thông báo về tình trạng hồ sơ để yêu cầu bổ sung (nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc thành phần hồ sơ chưa đúng theo quy định).

Bởi theo phân tích của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, nếu không thực hiện việc xác nhận tình trạng hồ sơ như trên thì việc xác định đã nộp đầy đủ hồ sơ của tổ chức cũng không có ý nghĩa và càng không có cơ sở pháp lý để kiểm tra, đánh giá tinh thần trách nhiệm của cơ quan, cá nhân giải quyết TTHC.

Về yêu cầu số lượng ngân hàng được phép thành lập, TTHC này sẽ được hoàn thiện bằng quy định mỗi cá nhân hoặc tổ chức và người có liên quan của cá nhân hoặc tổ chức đứng đơn chỉ được tham gia góp vốn thành lập 1 ngân hàng (bao gồm cả ngân hàng đang hoạt động); không được tham gia góp vốn thành lập ngân hàng nếu cá nhân hoặc cá nhân đó cùng với người có liên quan đang sở hữu mức cổ phần trọng yếu của một ngân hàng; tổ chức hoặc tổ chức đó cùng với người có liên quan đang sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên của một ngân hàng.

Như vậy, điểm cải cách của thủ tục này so với quy định hiện hành là ở chỗ, quy định hiện nay đang cho phép cá nhân hoặc tổ chức và người có liên quan của cá nhân hoặc tổ chức đó được tham gia thành lập 2 ngân hàng. Điều này gây khó khăn cho hoạt động quản lý Nhà nước trong khi đóng góp của cá nhân, tổ chức này đối với ngân hàng bị dàn trải, xét trên phương diện từng ngân hàng.

Đối với Cổ đông sáng lập là cá nhân, thủ tục bổ sung thêm điều kiện liên quan đến năng lực (là người quản lý doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong ít nhất 3 năm liền kề năm xin thành lập ngân hàng), trình độ (có bằng đại học hoặc trên đại học về ngành thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh kinh tế hoặc luật)...

Đối với Cổ đông sáng lập là tổ chức không phải là ngân hàng thương mại, thủ tục yêu cầu bảo đảm có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng trong 5 năm liền kề với năm đề nghị thành lập ngân hàng; kinh doanh có lãi trong 5 năm liền kề với năm đề nghị thành lập ngân hàng.

Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bằng tổ chức đủ tiêu chuẩn

Cũng theo phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính Cấp giấy phép thành lập và hoạt động NHTM cổ phần, báo cáo tài chính sẽ phải được kiểm toán độc lập bởi công ty kiểm toán thuộc danh sách các tổ chức kiểm toán đã được Bộ Tài chính công bố đủ tiêu chuẩn kiểm toán doanh nghiệp; đồng thời tăng chất lượng của báo cáo tài chính.

Đặc biệt, quy định mới còn bổ sung điều kiện liên quan đến khâu hậu kiểm (giám sát sau cấp phép) để tăng tính trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi thành lập ngân hàng vì hiện nay chưa có quy định về vấn đề này.

Phu Chính

Đọc thêm